Người dùng mạng xã hội (như Youtube, Facebook, TikTok…) khi chia sẻ nội dung lên các nền tảng này cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi sẽ phân tích về hình thức có thể xử lý đối với trường hợp của Youtuber Thơ Nguyễn mới đây khi youtuber này đưa clip “xin vía học giỏi” lên TikTok gây xôn xao dư luận.
Tóm tắt vụ việc
Thơ Nguyễn đăng tải một video 60 giây trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi của cô về việc xin “vía” học giỏi cho các em học sinh từ một con búp bê ma. Tuy rằng trước đó youtuber này nói đây chỉ là con búp bê bình thường (nội dung này không ai có thể xác thực trừ chính nữ youtuber), tuy nhiên thông qua những lời nói, hành động của cô này với con búp bê thì rõ ràng ai cũng nghĩ đến đây là búp bê “bùa ngải” Kumanthong ở Thái Lan.
Cụ thể, trong đoạn video đã được đăng tải, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng “mẹ” và gọi búp bê là “con”, dỗ dành búp bê để xin “vía” học giỏi cho các em học sinh.
Cô cầm một sợi dây chuyền đung đưa trước mặt búp bê và nói: “Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ này, mai các anh chị đi học rồi, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được thì con lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc đi, lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay”…
>> Những nội dung trong Clip được xác định là chia sẻ nội dung mê tín dị đoan lên mạng xã hội.
Xử lý hành chính
Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
……….
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
Đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng.
Ngoài ra, buộc gỡ bỏ Clip có chưa nội dung mê tín dị đoan khỏi các nền tảng Youtube, Facebook…
Xử lý hình sự
Đối với trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành cung cấp, chia sẻ thông tin mê tín dị đoan mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015.
Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nguồn: thuvienphapluat.vn