Theo thông tin trên báo Thanh niên, anh N.V.V., ngụ thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội là chủ nhân của một chiếc xe ô tô đang rao bán, sau khi được một người đàn ông liên hệ ngỏ ý mua lại chiếc xe, anh V. đã hẹn ngày giờ gặp mặt trao đổi.
Ngày 2/12, người này đi cùng một người đàn ông khác cùng đến gặp anh V. Tiếp đó, anh V. cho người này lái thử xe của mình. Đến khi tạm dừng trước cửa nhà, anh V. ra ngoài còn người đàn ông kia vẫn ngồi trong xe lần mò thứ gì đó rồi bất ngờ phóng đi. Theo anh V, sau khi đối tượng bất ngờ lấy xe phóng đi, điện thoại của vị khách này lập tức bị khóa máy. Khi hỏi người đi cùng, anh này cho biết chỉ là tài xế taxi, chở người kia đến. Ngay sau đó, anh V. cùng người tài xế kia đến trụ sở công an trình báo vụ việc.
Anh V. đăng tải thông tin vụ cướp xe và mức treo thưởng 100 triệu đồng lên mạng xã hội
Từ vụ việc trên, có thể thấy, đối tượng trên đã có ý định lấy xe của anh V từ trước. Khi đối tượng đề nghị được chạy thử với ý định lấy xe đi nhưng do anh V vẫn ngồi trên xe nên đối tượng không thực hiện được ý định. Đối tượng chờ anh V và người đàn ông đi cùng xuống xe nói chuyện rồi mới tìm cách phóng xe tẩu thoát.
Bình luận
Căn cứ vào nội dung vụ việc, hành vi của đối tượng trên phạm vào tội cướp giật tài sản theo quy định tại điều 171 Bộ luật hình sự 2015 chứ không phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với một số lý do sau đây:
Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng hành vi của đối tượng trên không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội.
Đặc biệt trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định, người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo, người bị lừa đảo tự mình chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối.
Trong vụ việc này, mặc dù trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là chiếc ô tô của anh V, đối tượng đã có các hành vi gian dối như đề nghị được chạy xe thử với ý định khi anh V cho chạy thử xe một mình thì sẽ lấy xe chạy đi luôn.
Nhưng đây chỉ là những thủ đoạn mà đối tượng dùng để dễ tiếp cận tài sản và tạo ra sự thuận lợi để dễ thực hiện hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, sau đó đối tượng lại thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của anh V một cách hoàn toàn công khai. Do đó, hành vi của đối tượng trên không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, hành vi của đối tượng này cũng không phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Lý do là bởi, loại tội phạm này có một dấu hiệu rất đặc trưng là hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản, hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình, hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Có thể trong các hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hoả hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự.
Đối chiếu với vụ việc của anh V, trường hợp của đối tượng trên không thỏa mãn yếu tố hành vi này. Do anh V không thể ngăn cản được hành vi chiếm đoạt chiếc xe ô tô là do đối tượng đã lợi dụng điều kiện chiếc xe dừng đỗ trước cửa nhà (lúc đó chiếc xe vẫn đang trong tầm kiểm soát của anh V) chứ không phải do hoàn cảnh khách quan đem lại. Vì vậy, hành vi của đối tượng không thỏa mãn cấu thành của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 172 – Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định đối tượng đã phạm tội Cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 – Bộ luật Hình sự 2015. Thông thường tội Cướp giật tài sản thường biểu hiện qua các hành vi khách quan như giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Để mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác, người phạm tội có sự chuẩn bị phạm tội cũng như thực hiện một loạt các thủ đoạn xảo quyệt khác để đạt được mục đích đó, như tìm cách tiếp cận người quản lý tài sản, tiếp cận tài sản, tạo ra sự sơ hở đối với người quản lý tài sản để dễ chiếm đoạt tài sản đó… Tội cướp giật thể hiện dưới 2 hình thức chính là: hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát.
Trong vụ án này, tại ngay trong thời điểm đối tượng thực hiện việc chiếm đoạt tài sản, anh V đã nhận biết được việc chiếm đoạt đó. Trước đó đối tượng đã có hành vi lừa dối để dễ tiếp cận chiếc xe, tạo ra sự sơ hở giữa anh V và chiếc xe ô tô. Ở đây, anh V hoàn toàn không chuyển giao quyền sở hữu chiếc xe, cũng không chuyển giao quyền quản lý chiếc xe cho đối tượng trên, ngoài sự kiểm soát của mình, mà chỉ giao cho đối tượng điều khiển xe tạm thời khi có anh bên cạnh.
Trong tình huống nêu trên, đối tượng đã lợi dụng sự sơ hở của anh V để công khai, nhanh chóng lấy tài sản rồi tẩu thoát. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của đối tượng phạm vào tội Cướp giật tài sản theo Điều 171 – Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, đối tượng có thể phải đối mặt với mức tù ít nhất 01 năm tới 15 năm và phạt hành chính từ 10 triệu đến 100 triệu đồng.