Vận tải đường thủy ra đời khá sớm và phù hợp để chuyên chở tất cả các loại hàng hóa có trọng lượng lớn, các loại hàng chuyên chở trên cự ly dài nhưng không cần phải giao hàng nhanh chóng. Kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là hoạt động của đơn vị kinh doanh sử dụng phương tiện thủy nội địa để vận tải hành khách, hàng hóa có thu cước phí vận tải. Vậy điều kiện để kinh doanh vận tải hàng hóa đường thủy nội địa là gì?
Căn cứ: Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014, Điều 5, Điều 10 Nghị định số 110/2014/NĐ-CP, Thông tư 61/2015/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa thì để kinh doanh vận tải hàng hóa đường thủy nội địa thì đơn vị kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau
Thứ nhất, về điều kiện chung: Đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải đường thủy nội địa.
- Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh.
- Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
- Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con của chủ hộ kinh doanh).
- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
Thứ hai, về điều kiện riêng kinh doanh vận tải hàng hóa: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải bảo đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 5 của Nghị định 110/2014/NĐ-CP như trên thì đối với kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa nguy hiểm. Việc vận chuyển hàng hóa có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.