Ngày 5/7/2021, 4 nghi phạm vừa bị Công an Hà Nội tạm giữ bao gồm: Lê Hoàng Đạt (30 tuổi), Nguyễn Thành Công (32 tuổi), Nguyễn Hữu Tú (28 tuổi), Nguyễn Hữu Trung (27 tuổi) để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản tiêu thụ tài sản trộm cắp.
Nguồn ảnh: VOV
Theo điều tra, do kinh doanh tiền ảo nợ nhiều tiền nhưng không có khả năng chi trả nên Đạt cầm đầu nhóm đối tượng chuyên đi trộm cắp tài sản, mục tiêu chúng nhắm tới là những chiếc ô tô để trong bãi gửi mà nhiều chủ xe thường đưa lại chìa khóa cho bảo vệ nên đã lợi dụng kẽ hở này để thực hiện hành vi phạm tội.
Hắn giả làm người gửi xe đi vào bãi yêu cầu bảo vệ đưa cho một chìa khóa ô tô bất kì sau đó bấm nút mở khóa và thấy chiếc xe nào sáng đèn thì lên nổ máy điều khiển xe ra khỏi bãi. Xe trộm cắp được Đạt mang cầm cố cho Công lấy tiền tiêu xài.
Công hoạt động cầm đồ ô tô, xe máy từ tháng 6/2020. Công chủ yếu nhận cầm ô tô không chính chủ, xe mất đăng kí hoặc xe nợ ngân hàng. Các xe cầm cố được Công chuyển về 7 điểm trông giữ và 6 kho thuê sẵn ở nơi đông dân cư. Công thuê Tú và Trung làm nhân viên. Sau khi nhận ô tô cầm cố, Công giao nhân viên đưa xe đến gara để kiểm tra, tháo định vị. Anh ta yêu cầu nhân viên quá trình di chuyển phải đi lòng vòng qua các khu vực không có camera để tránh cảnh sát điều tra hoặc bị hại phát hiện.
Theo Phòng cảnh sát Hình sự, Đạt là “trùm” trộm cắp chuyên bán xe cho Công. Khám xét kho hàng của Công, cơ quan điều tra tạm giữ gần 100 ô tô các loại và 110 bộ giấy tờ liên quan đến cầm cố xe, trong đó nhiều xe hạng sang, giá trị rất lớn.
Theo cơ quan Công an Hà Nội, Lê Hoàng Đạt được xác định có hành vi chuyên trộm cắp ô tô tại các bãi gửi xe trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Đạt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trộm cắp tài sản được quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và phức tạp của hành vi, Lê Hoàng Đạt có thể phải nhận mức án tù tối đa là 20 năm. Ngoài ra, Đạt còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền với mức từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đối với nhóm đối tượng Nguyễn Thành Công, Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Hữu Trung cần xác định rõ xem nhóm đối tượng này chỉ có hành vi tiêu thụ sản tài sản do người khác phạm tội hay là đồng phạm cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với Lê Hoàng Đạt để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu nhóm 3 đối tượng này chỉ thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị truy cứu với tội danh chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Đối với hành vi tiêu thụ ô tô trộm cắp hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ của 3 đối tượng, khung hình phạt tối đa được áp dụng có thể lên tới 15 năm tù. Ngoài ra, toàn bộ gần 100 ô tô các loại và 110 bộ giấy tờ liên quan đến cầm cố xe sẽ bị tịch thu để xử lý.
Nếu Công, Tú, Trung có tham gia hành vi trộm cắp tài sản, biết trước việc trộm cắp sẽ được tiến hành và góp sức cho việc trộm cắp bằng việc hứa hẹn tiêu thụ sẽ bị coi là đồng phạm của Đạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).