Hiện nay, tình trạng hoạt động mê tín dị đoan vẫn diễn ra khá phổ biến. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ nghiêm trọng mà có thể chịu các mức chế tài khác nhau.
Có thể hiểu, mê tín dị đoan là việc đặt niềm tin vào những điều hoang đường, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản và có thể cả tính mạng con người.
Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP sắp có hiệu lực vào ngày 01/6/2021 quy định xử phạt đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoạn như sau:
“Điều 14. Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
…
7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.”
(Hiện hành, tại điểm a khoản 2 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên).
Bên cạnh đó, hành vi hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp sau:
Dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Làm chết người;
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nguồn: Thư viện pháp luật