Tình huống ly hôn – thi hành án

Tình huống:

2 vợ chồng anh A và chị B ly hôn 2012 đã được tòa án tuyên bố cho ly hôn. Sau ly hôn, anh A phải trả cho chị B khoản tiền 80 triệu đồng. Đến nay (2016), anh A vẫn chưa trả cho chị B khoản tiền này. Cùng lúc đó, anh A được bồi thường đất với trị giá 70 triệu đồng.

Chị B có thể đòi số tiền 70 triệu kia không? Tìm căn cứ pháp lý?

Trả lời:

Trong tình huống kể trên, khi quyết định của Tòa án có hiệu lực thì chị B có quyền yêu cầu thi hành án. Điều 7 Luật Thi hành án 2014 quy định:

Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án

1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;”

Tại Khoản 5 Điều 3 Luật này “Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.”

Mặt khác, Căn cứ Điều 30: “Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.”

Đối chiếu với trường hợp kể trên, chị B vẫn có thể yêu cầu thi hành án vì thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn.

Tại Khoản 6 Điều 3“Có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án”. Như vậy, anh A có khoản tiền là 70 triệu do được bồi thường đất, như vậy là có tài sản, và tài sản này có thể được sử dụng để thi hành án.

Ngoài ra, căn cứ Điều 9 Luật này: “Điều 9. Tự nguyện và cưỡng chế thi hành án

1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này.”

Do đó anh A có thể tự nguyện thi hành án, nếu không tự nguyện thì sẽ bị cưỡng chế theo pháp luật. Khi đó, chị B sẽ đòi được khoản tiền kể trên từ anh A.

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top