Câu hỏi:
Câu 1: Quyền tác giả là gì? Các quyền liên quan?
Câu 2: Đăng kí nhãn hiệu tại Mỹ
Câu 1
Cơ sở pháp lý:
Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009
Nghị định số 119/2010/NĐ-CP
Quyền tác giả
Khái niệm về quyền tác giả:
Quyền tác giả (copyright) là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của người này. Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu theo hai phương diện:
Về phương diện khách quan: Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm xác nhận và bảo vệ quyền của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả, xác định các nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quy định tự thực hiện và bảo vệ các quyền đó khi có hành vi xâm phạm.
Về phương diện chủ quan: Quyền tác giả là quyền dân sự cụ thể (quyền tài sản và quyền nhân thân) của chủ thể với tư cách là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học và quyền khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền của mình bị xâm phạm.
Quyền tác giả còn được hiểu là quan hệ pháp luật dân sự. Quan hệ pháp luật quyền về tác giả là quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối với các chủ thể của quyền được xác định và các chủ thể khác còn lại trong xã hội có nghĩa vụ tôn trọng quyền đó của các chủ thể mang quyền được xác định bao gồm ba yếu tố:
Chủ thể của quyền tác giả là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có những quyền nhất định đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khi đã được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.
Khách thể của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học do tác giả sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ.
Nội dung quyền tác giả là tổng hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về quyền tác giả. Các quyền này phát sinh từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật được pháp luật ghi nhận và bảo hộ.
Đặc điểm về quyền tác giả:
Ngoài các đặc điểm chung của quyền sở hữu trí tuệ là tính vô hình của các đối tượng, các đối tượng này chủ được bảo hộ trong thời hạn nhất định. Quyền sở hữu trí tuệ không những được bảo hộ ở lại nước có công dân sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ mà còn bảo hộ ở các nước thành viên của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, các thành quả của lao động trí tuệ đều có tác dụng nâng cao trình độ hiểu biết và quyền tác giả còn có những đặc điểm riêng sau:
Về đối tượng của quyền tác giả:
+ Đối tượng của quyền tác giả luôn mang tính sáng tạo, được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
+ Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác phẩm là thành quả lao động sáng tạo của tác giả được thể hiện dưới hình thức nhất định. Tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung .
+ Pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ hình thức thể hiện dưới dạng nào đó mà không phản ánh hay không chứa đựng nội dung nhất định. Tác phẩm phải do tác giả trực tiếp thực hiện lao động trí tuệ của mình mà không phải sao chép từ tác phẩm của người khác.
Về hình thức của quyền tác giả:
+ Hình thức thể hiện: Quyền tác giả thiên về việc bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm. Pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức chứa đựng tác phẩm khi nó được tạo ra và thể hiện dưới hình thức nhất định mà không bảo hộ nội dung sáng tạo tác phẩm.
+ Hình thức xác lập quyền: Hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động. Quyền tác giả được xác lập dựa vào chính hành vi tạo ra tác phẩm của tác giả, không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục nào.
Về mức độ bảo hộ của quyền tác giả:
+ Quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối.
+ Đối với tác phẩm đã được công bố, phổ biến và tác phẩm không bị cấm sao chụp thì cá nhân, tổ chức được phép sử dụng tác phẩm của người khác nếu việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh, ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác bình thường của tác phẩm, không xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.
Về vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong quốc tế, theo Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ mà không cần thủ tục đăng ký bất kỳ tại các quốc gia thành viên.
Các quyền liên quan đến quyền tác giả
Khái niệm về quyền liên quan:
Quyền liên quan được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, bao gồm: quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và quyền của tổ chức phát sóng. Quyền liên quan không được gây phương hại đến quyền tác giả.
Đặc điểm của quyền liên quan:
Quyền liên quan và quyền tác giả có sự gần gũi nhất định, thể hiện ở một số đặc điểm chung phân biệt chúng với nhóm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, là một lĩnh vực cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ, quyền liên quan có các đặc trưng riêng của nó như sau:
Hoạt động của các chủ thể quyền liên quan chính là hành vi sử dụng tác phẩm đã có: Quyền liên quan có mối liên hệ mật thiết với quyền tác giả mà biểu hiện dễ thấy nhất là việc tác phẩm đã được tác giả sáng tạo chính là cơ sở để các chủ thể quyền liên quan tiến hành các hoạt động nghề nghiệp của mình mà từ đó phát sinh các quyền này.
Đối tượng quyền liên quan được bảo hộ khi có tính nguyên gốc: Được xác định trên 2 phương diện chủ yếu: cơ sở lao động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của chủ thể và ở việc quyền liên quan chỉ được xác định theo các đối tượng của quyền liên quan được tạo ra lần đầu tiên.
Quyền liên quan chỉ được bảo hộ trong thời hạn nhất định, kể cả các quyền nhân thân: Đây là một đặc điểm riêng biệt của quyền liên quan trong sự so sánh với quyền tác giả và cả quyền sở hữu công nghiệp. Đối với quyền liên quan, sự bảo hộ trên phạm vi quốc tế cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ hầu hết các quốc gia đều giới hạn thời hạn bảo hộ ở mức độ nhất định, thường là 50 năm kể từ khi các đối tượng được định hình hoặc công bố.
Quyền liên quan được bảo hộ trên nguyên tắc không làm phương hại đến quyền tác giả: Hình thành sau khi quyền tác giả đã được bảo hộ một cách phổ biến và rộng rãi, lại mang bản chất gắn bó mật thiết với quyền tác giả, do vậy việc bảo hộ quyền liên quan bao giờ cũng được xem xét trong mối quan hệ với quyền tác giả và thể hiện nguyên tắc không gây bất kỳ sự phương hại nào có thể đối với quyền này.
Quyền tác giả và quyền liên quan có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không chỉ tác giả- người sáng tạo ra tác phẩm gốc và chủ sở hữu quyền tác giả cần được bảo vệ mà những người có quyền liên quan ( đến quyền tác giả)- những người hỗ trợ tích cực cho việc đưa tác phẩm đến với công chúng cũng cần được sự bảo vệ thỏa đáng về pháp luật.
Câu 2
Có 2 cách để đăng kí nhãn hiệu tại Mỹ:
Cách 1: Đăng ký nhãn hiệu trực tiếp cho Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Liên bang Mỹ USPTO (United States Patent and Trademark Office)
- Bước 1: Xem xét điều kiện được bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, đó là:
+ Nhãn hiệu đã được sử dụng tại Mỹ
+ Nhãn hiệu có dự định sử dụng tại Mỹ.
Nhãn hiệu đã nộp đơn tại một nước khác (là thành viên của Công ước Paris hoặc của của thỏa ước về nhãn hiệu hàng hoá mà Mỹ công nhận).
Nhãn hiệu đã đăng ký tại một nước khác (là thành viên của Công ước Paris hoặc của thỏa ước về nhãn hiệu hàng hoá mà Mỹ công nhận).
- Bước 2: Nộp đơn đăng ký trực tiếp cho USPTO, hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:
+ Bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu hoặc Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
+ 15 mẫu nhãn hiệu
+ Danh mục sản phẩm/dịch vụ (Phân loại danh mục sản phẩm dịch vụ theo quy định của Mỹ)
+ Giấy uỷ quyền (gửi lại khi nhận được yêu cầu)
- Bước 3: Thẩm định viên của USPTO sẽ tiến hành thẩm định và nếu hợp lệ sẽ công bố trên công báo sở hữu công nghiệp để bất kì bên thứ ba nào có quyền và lợi ích liên quan có thể phản đối. Nếu sau đó không còn bất kì phản đối nào sẽ được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật.
(Thời hạn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là: 18-21 tháng
Thời gian bảo hộ là 10 năm và có thể gia hạn nhiều lần)
Cách 2: Đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ thông qua thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid
- Bước 1: Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Mỹ theo Nghị định thư Madrid phải trùng với nhãn hiệu trong đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Mỹ theo Thỏa ước Madrid phải trùng với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được cấp tại Việt Nam.
- Bước 2: Nộp tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ; Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (đơn đăng ký phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp). Trong tờ khai cần chỉ rõ Mỹ là nước mà người nộp đơn muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
- Bước 3: Thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí đó cho Văn phòng quốc tế và phải nộp thêm các khoản lệ phí, phí liên quan theo quy định cho Cục Sở hữu trí tuệ và có trách nhiệm nộp các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế.
- Bước 4: Mọi thư từ, giao dịch liên quan đến đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đều được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo kịp thời các yêu cầu của người nộp đơn cho Văn phòng quốc tế và ngược lại, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.