Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích.
Với 443 đại biểu tán thành (92%), Quốc hội thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi với 16 chương, 171 điều, chiều 17/11.
Luật quy định, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại gồm chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác.
UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác có khả năng tái sử dụng được chuyển giao cho các đơn vị phù hợp; rác thực phẩm và loại khác được chứa trong bao bì theo quy định, chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
Đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu rác chưa được phân loại và không dùng bao bì đúng quy định; thông báo đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Theo Luật, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán dựa trên pháp luật về giá; khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí.
Trường hợp hộ gia đình không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác phát sinh.
Đại biểu bấm nút thông qua dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Các quy định về thu phí xử lý rác sinh hoạt được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt; kỹ thuật phân loại rác… UBND cấp tỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; quy định hình thức thu phí.
Đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng từng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia. Trước lo ngại về tính khả thi của quy định này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà từng khẳng định: “Nguyên tắc quan trọng nhất trong dự luật là không thu tiền xử lý rác theo bình quân đầu người như trước đây, mà tính theo lượng rác. Người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền”.
Theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, việc tính khối lượng rác không phải cân đong từng lần xả rác của người dân, mà các nước sản xuất bao bì đựng rác với màu sắc cho từng loại rác để tính thể tích. Tiền xử lý rác tính vào tiền mua bao bì. Người dân càng xả nhiều rác thì càng phải mua nhiều bao bì loại này.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định về nguyên tắc, sau đó Chính phủ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn và các địa phương quy định cụ thể hóa để thực hiện chính sách này.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.
Nguồn: Thư viện pháp luật