Tạm giữ 03 “nữ quái” mở văn phòng công chứng giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Đồng Nai

Sáng ngày 18/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai sáng nay đang tạm giữ hình sự các đối tượng Hoàng Thị Kiều Trang (SN 1988), Hoàng Thị Trang (SN 1993) và Nguyễn Ngọc Nga (SN 1991), cùng ngụ tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức.

Trước đó, từ cuối tháng 9/2020, cơ quan công an nhận được đơn tố giác tội phạm của một số người dân tố cáo một nhóm đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), giả giấy CMND, sổ hộ khẩu và mở văn phòng công chứng giả chiếm đoạt số tiền 4 tỷ đồng.

Theo điều tra, Kiều Trang đã thuê người làm giả sổ đỏ của một mảnh đất ở TP Biên Hòa, làm giả CMND mang tên Nguyễn Thị Ngoan nhưng dán hình của Trang lên. Tiếp đó, Kiều Trang và Nguyễn Thị Nga thuê một căn nhà ở phường An Bình, TP Biên Hòa để mở văn phòng công chứng giả mang tên “văn phòng công chứng Trấn Biên số 1”.

công chứng giả

Các nghi phạm Hoàng Thị Kiều Trang, Hoàng Thị Trang và Nguyễn Ngọc Nga (từ trái qua) tại cơ quan công an – Ảnh: Công an cung cấp

Chiều 21/9/2020, Nga và Kiều Trang dẫn ba người dân tại TP.HCM đi xem thửa đất nói trên thì được một người đồng ý mua với giá 4 tỷ đồng. Sau đó, dẫn người mua là bà N.T.T.N và ông V.Q.H đến văn phòng công chứng giả đã lập nên trước đó để làm thủ tục.

Sau khi đã chuyển tiền cho hai đối tượng trên, các nạn nhân nghi ngờ mình bị lừa nên tố cáo đến cơ quan công an. Vào cuộc điều tra, công an đã bắt giữ cả 3 đối tượng trên cùng hơn 1,3 tỷ đồng tiền tang vật.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Thông thường, những trường hợp làm giả CMND hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ bị phạt hành chính, nhưng trong trường hợp này, theo kết quả điều tra ban đầu các đối tượng đã thành công chiếm đoạt số tiền lên đến 4.000.000.000 đồng bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi như làm giả CMND, làm giả giấy chứng nhận sau đó thậm chí còn mở văn phòng công chứng giả. Hành vi của các đội tượng trên cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 và Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Về chế tài cụ thể:

Đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ cần chiếm đoạt 500.000.000 đồng trở lên là các đối tượng sẽ phải chịu chế tài cao nhất. Ở đây các đối tượng đã chiếm đoạt tới 4.000.000.000 đồng nên chế tài xử phạt có thể áp dụng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, do các đối tượng đã có hành vi làm giả CMND, giấy chứng nhận, làm giả các con dấu, mở phòng công chứng giả và sử dụng chúng cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt khối tải sản 4.000.000.000 đồng nên mức chế tài có thể áp dụng là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tổng hợp hình phạt đối với hình phạt chính, mức phạt tù có thể sẽ lên tới 27 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, các đối tượng sẽ phải chấp hành tất cả các hình phạt bổ sung đã tuyên, đối với hình phạt là tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

Ở đây, các đội tượng Hoàng Thị Kiều Trang, Hoàng Thị Trang  và Nguyễn Ngọc Nga được coi là đồng phạm, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do các đối tượng trên đã gây thiệt hại về tài sản cho bà N.T.T.N và ông V.Q.H theo quy định tại Điều 584 và thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định theo Điều 589 BLDS 2015.

Theo điều 587 BLDS 2015: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”

Trong trường hợp các đối tượng bị tuyên tù chung thân thân thì vẫn phải chấp hành nghĩa vụ bồi thường đối với những thiệt hại đã gây ra do đây là trách nhiệm dân sự tách rời khỏi trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Nếu hết thời hạn này, họ không tự nguyện thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Căn cứ  Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Vậy, ngoài trách nhiệm hình sự, ba đối tượng trên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hoại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Trách nhiệm này được thực hiện bằng toàn bộ tài sản của các đối tượng và nếu họ không có khả năng thực hiện, người thân của họ có không có nghĩa vụ trả số tiền này.

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top