Mới đây, tập 6 của Thương vụ bạc tỷ (Shark tank Việt Nam) nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả khi xuất hiện cặp đôi song sinh cử nhân luật bỏ nghề để theo đuổi con đường cơ khí, và gọi vốn thành công với 4 tỷ 650 triệu đồng. Quốc Việt và Hoàng Nam là hai nhà sáng lập của start-up Dôta, mô hình khởi nghiệp chuyên về các sản phẩm cơ khí kĩ thuật, trong đó chủ lực là cầu dắt xe thông minh.
Hai nhà sáng lập cho biết thị trường Việt Nam có 45 triệu xe máy đang lưu hành và tiếp tục tăng thêm 3 triệu xe/năm. Trong khi đó phần lớn nhà ở được tôn cao nền so với mặt đường để phòng khi mưa ngập. Để dắt xe vào nhà cần dốc bê tông, cầu sắt hàn thủ công, ván gỗ…Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp không an toàn vì gây trơn trượt, bất tiện khi sử dụng do cồng kềnh và chưa kể là đang xâm lấn vào không gian công cộng.
Chính vì vậy mà Dôta ra đời, công ty đem đến các sản phẩm cầu dắt xe thông minh được làm từ hợp kim nhôm cao cấp, siêu bền nhẹ. Bề mặt được đột dập những lỗ với hình dạng đặc biệt giúp chống trơn trượt. Nhờ thiết kế bản lề một chiều nên sản phẩm có thể gấp gọn lại khi không dùng đến. Tính năng đặc biệt hữu ích với những ngôi nhà đô thị nhỏ hẹp, không có diện tích để xe riêng.
Từng là học luật và có kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn luật nước ngoài, hai nhà sáng lập tự tin cho biết nếu đăng ký bản quyền thiết kế đối thủ có thể thay đổi mẫu mã nhưng Dôta dự định đăng kí bản quyền sáng chế, do vậy các “ông lớn” sẽ không dại gì vướng vào vòng xoáy pháp lý. Tuy nhiên, khi shark Hưng hỏi về hồ sơ đăng ký sáng chế, 2 chàng trai khởi nghiệp cho biết họ “đang chuẩn bị 1 bộ hồ sơ 100 trang để …về sẽ nộp”.
Như vậy, mặc dù gọi vốn thành công, nhưng với đánh giá của Link & Partners, sáng chế của 2 start-up có nguy cơ không được bảo hộ độc quyền sáng chế vì những lý do sau đây:
Sáng chế cần phải đáp ứng 03 điều kiện để được bảo hộ:
– Có tính mới;
– Có trình độ sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Việc Quốc Việt và Hoàng Nam chưa nộp hồ sơ đăng ký sáng chế nhưng lại đem sản phẩm này đi kêu gọi đầu tư và xuất hiện trên sóng truyền hình để thuyết minh về sản phẩm được coi là đã bộc lộ công khai. Do đó, sáng chế mất tính mới. Tuy nhiên họ lại không hề tính đến điều này khi cả hai đã có bằng cử nhân luật. Giả sử, sau chương trình này nếu như có 1 ai đó tranh thủ sản xuất hàng loạt thì có thể là họ sẽ khó bảo vệ quyền của mình đối với sáng chế.
Mặt khác, nếu như sáng chế đã nộp đơn, 2 start-up có thể vận dụng quy định về quyền tạm thời theo quy định tại điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ để thuyết phục các Shark: “Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp biết rằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng”. Sáng chế này khá đơn giản nên khả năng cao sẽ chỉ được bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích.
Lẽ ra, với cương vị là những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân luật, 2 start-up phải chuẩn bị tốt các vấn đề này để phản biện, đặc biệt là việc nộp đơn. Với phần trả lời và thuyết phục của 2 start-up thì con số 4,65 tỷ đầu tư vẫn là hơi rủi ro vì đến thời điểm hiện tại, khả năng sáng chế không được bảo hộ rất cao. Có lẽ trước khi nộp đơn chính thức, 2 start-up nên có nhiều cải tiến thêm để đạt được khả năng bảo hộ cao hơn!