Cảnh sát tỉnh Miyagi (Nhật Bản) thông báo vừa bắt hai người đàn ông và một phụ nữ vì bị cáo buộc vi phạm luật sở hữu trí tuệ khi đăng 5 clip “phim nhanh” từ 7/6 đến 21/7/2020. “Phim nhanh” có thể hiểu là các đoạn video sử dụng hình ảnh cắt ghép, chỉnh sửa các bộ phim có bản quyền nhằm tóm tắt nội dung phim với thời lượng ngắn khoảng 10 phút.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát nghi ngờ 3 đối tượng này đã đăng tải hơn 100 đoạn phim nhanh lên mạng và nhận doanh thu quảng cáo được trả tương ứng với số lượt xem. Các video do nhóm này chia sẻ bất hợp pháp đã bị gỡ.
Đây là vụ án hình sự đầu tiên ở Nhật với người đăng “phim nhanh” lên mạng. Theo quy định của nước này, người vi phạm có thể phải với khung hình phạt lên tới 10 năm tù kèm phạt tiền.
Và không chỉ tại Nhật Bản, các clip “phim nhanh” hay hiện nay xuất hiện tràn lan với cái tên review phim khá phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Youtube… Sau khi đăng tải, các video này thu hút hàng nghìn lượt xem và tương tác, đang dần trở thành hiện tượng của mạng xã hội. Tuy nhiên, những “món ăn nhanh” tưởng chừng như vô thưởng vô phạt này lại đang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, mà ở đây cụ thể là quyền tác giả.
Nguồn ảnh: ICTNews – Vietnamnet
Hiện nay, các cá nhân, tổ chức thường lấy tiêu đề clip là review phim (đánh giá, nhận xét bộ phim) nhưng thực chất, nội dung lại là recap phim (tóm tắt nội dung phim).
Theo đó, những cá nhân, tổ chức thực hiện các clip này đang vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) về Hành vi xâm phạm quyền tác giả: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này”. Các tác phẩm điện ảnh, những bộ phim bị cắt xén, sử dụng hình ảnh bộ phim với mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Những clip này đã tóm tắt bộ phim trong thời lượng ngắn bằng cách cắt ghép hình ảnh, lồng tiếng, giúp người xem có thể nắm bắt được toàn bộ nội dung mà không cần phải xem phim. Điều này cùng với những đánh giá mang tính chủ quan đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của bộ phim, có thể tạo nên những tác động tiêu cực cho người xem.
Đối với hành vi vi phạm bản quyền nói trên, các cá nhân, tổ chức sẽ phải chịu các chế tài xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) về Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”. Quy định cụ thể về mức độ xử lý đối với mỗi hình phạt được quy định tại các văn bản luật có liên quan như Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) về Các biện pháp dân sự…