Phá đường dây sách lậu lớn nhất từ trước đến nay, trách nhiệm pháp lý được đặt ra như thế nào?

     Khoảng 10h sáng 18/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa tại Công ty cổ phần in và văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội).

      Cơ quan công an bắt quả tang và đồng loạt triển khai khám xét khẩn cấp tại 19 địa điểm, 2 văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội. Kết quả khám xét bước đầu thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan gồm dây chuyền máy in offset 4 màu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách, cùng hàng triệu cuốn sách giáo khoa giả cùng nhiều sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ sách giả nêu trên.

sách lậuLực lượng chức năng kiểm tra kho sách lậu.

     Theo quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, với mức lợi nhuận nêu trên, các đối tượng có liên quan trong đường dây này có thể đối diện với mức án tù lên đến 15 năm, ngoài ra các đối tượng còn có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.      Qua nắm bắt của cơ quan chức năng, đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây trên là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỉ đồng.

     Trong vụ án lần này, cơ quan chức năng xác định được trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giả lần này có sự tham gia của 02 pháp nhân thương mại là Công ty cổ phần in và văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội), theo đó, tại khoản 5 điều 192 Bộ luật Hình sự 2017, hai pháp nhân vi phạm có thể phải chịu mức phạt tiền lên đến 09 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 03 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 03 năm, trong một vài trường hợp, pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

     Bên cạnh vi phạm quy định của pháp luật hình sự, hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả dễ dàng được nhận thấy trong vụ án này. Theo đó, các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán sách lậu này có thể phải chịu mức phạt lên đến 35 triệu đồng theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 và Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số, hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

     Ngoài ra, việc in ấn, buôn bán sách giả không chỉ xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm, mà còn xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của nhà xuất bản theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, mức xử phạt cho hành vi này tùy vào mức độ có thể là phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng đối với pháp nhân, 250 triệu đồng đối với cá nhân, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, với mức phạt tù lên đến 3 năm, phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng.

       Đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay, các công đoạn in ấn, đóng gói và kết nội với các đầu mối tiêu thụ được thực hiện vô cùng khép kín và tinh vi gây khó khăn trong việc điều tra cũng như xử lý các đối tượng. Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top