Nội dung cơ bản của dự thảo luật sở hữu trí tuệ

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ gồm 6 phần, 17 chương, 261 điều (chi tiết về Luật dự thảo Xem tại đây)

Phần thứ nhất – Những quy định chung, gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12)

Phần này quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung của Dự Luật, bao gồm: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; những nguyên tắc cơ bản về xác lập quyền và giới hạn quyền sở hữu trí tuệ; khẳng định chính sách khuyến khích và quan điểm của Nhà nước trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; phí, lệ phí về sở hữu trí tuệ.

Phần thứ hai – Quyền tác giả và quyền liên quan, gồm 5 chương, 49 điều (từ Điều 13 đến Điều 61).

Chương I – Quyền tác giả

Chương này gồm 5 mục, 21 điều (từ Điều 13 đến Điều 33), quy định các vấn đề về quyền tác giả: tác giả, tác phẩm, thời hạn bảo hộ quyền tác giả; nội dung quyền tác giả; giới hạn quyền tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả; hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Chương II – Quyền liên quan

Chương này gồm 4 mục, 9 điều (từ Điều 34 đến Điều 42), quy định về các quyền liên quan: các quyền liên quan được bảo hộ; nội dung các quyền liên quan; giới hạn quyền liên quan; hành vi xâm phạm quyền liên quan.

Chương III – Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan; hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Chương này gồm 10 điều (từ Điều 43 đến Điều 52), tập trung làm rõ việc chuyển nhượng các quyền tác giả, quyền liên quan và quy định về các loại hợp đồng (hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan; hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan): nội dung chủ yếu của hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng; đình chỉ, huỷ bỏ hợp đồng.

Chương IV – Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 53 đến Điều 59), quy định về quyền nộp đơn đăng ký và thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; thẩm quyền, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; hiệu lực và huỷ bỏ hiệu lực của các Giấy chứng nhận này; đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương V –  Tổ chức đại diện về quyền tác giả, quyền liên quan

Chương này gồm 2 điều (Điều 60, Điều 61), quy định về tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

Phần thứ ba- Quyền sở hữu công nghiệp, gồm 5 chương, 133 điều (từ Điều 62 đến Điều 194).

Chương VI – Các đối tượng sở hữu công nghiệp và điều kiện bảo hộ

Chương này gồm 7 mục, 29 điều (từ Điều 62 đến Điều 90), quy định về các đối tượng sở hữu công nghiệp cơ bản (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh) và điều kiện bảo hộ các đối tượng này.

Chương VII – Xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Chương này gồm 4 mục, 43 điều (từ Điều 91 đến Điều 133), quy định về nguyên tắc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đơn đăng ký xác lập quyền; thủ tục xử lý đơn và cấp Văn bằng bảo hộ; đơn đăng ký quốc tế và xử lý đơn đăng ký quốc tế.

Chương VIII – Nội dung và giới hạn quyền sở hữu công nghiệp

Chương này gồm 8 mục, 43 điều (từ Điều 134 đến Điều 176), quy định về  nội dung các quyền và giới hạn quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh). Chương này cũng dành một mục (gồm một điều khoản) khẳng định về mặt nguyên tắc quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (có dẫn chiếu tới Luật Cạnh tranh).

Chương IX – Chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, chuyển nhượng, chuyển dịch quyền sở hữu công nghiệp

Chương này gồm 4 mục, 12 điều (từ Điều 177 đến Điều 188), quy định về việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo hợp đồng; chuyển nhượng, chuyển dịch quyền sở hữu công nghiệp; hiệu lực của hợp đồng, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng và chuyển dịch quyền sở hữu công nghiệp; bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế.

Chương X – Đại diện về sở hữu công nghiệp

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 189 đến Điều 194), quy định về tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và người đại diện sở hữu công nghiệp; quyền và nghĩa vụ của đại diện sở hữu công nghiệp; điều kiện hành nghề dịch vụ, điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; công nhận, xoá bỏ, từ bỏ việc kinh doanh, hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Phần thứ tư – Quyền đối với Giống cây trồng mới, gồm 4 chương, 39 điều (từ Điều 195 đến  Điều 233).

Chương XI – Đối tượng và điều kiện bảo hộ

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 195 đến Điều 200), quy định về giống cây trồng và điều kiện bảo hộ; tính mới; tính khác biệt; tính đồng nhất; tính ổn định; tên gọi phù hợp.

Chương XII – Xác lập quyền đối với giống cây trồng mới

Chương này gồm 3 mục, 19 điều (từ Điều 201 đến Điều 219), quy định về việc xác lập quyền đối với giống cây trồng mới; đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới; thủ tục xử lý đơn và cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Chương XIII – Quyền và nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 220 đến Điều 226), quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng; quyền tạm thời, hạn chế quyền đối với giống cây trồng mới; mở rộng quyền đối với giống cây trồng khác; nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng; quyền và nghĩa vụ của tác giả giống cây trồng mới; các hành vi xâm phạm quyền của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng.

Chương XIV – Chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 227 đến Điều 233), quy định về chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ; quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng; chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giống cây trồng; chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc và điều kiện chuyển giao; quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng trong trường hợp chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc; trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực của việc chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc đối với giống cây trồng.

Phần thứ năm- Thực thi quyền sở hữu trí tuệ, gồm 3 chương, 24 điều (từ Điều 234 đến Điều 257),

Chương XV – Nguyên tắc thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 234 đến Điều 238), quy định về các nguyên tắc cơ bản trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ: quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thẩm quyền áp dụng các biện pháp  bảo đảm thực thi quyền; các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; giám định về sở hữu trí tuệ.

Chương XVI – Thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự

Chương này gồm 3 mục, 10 điều (từ Điều 239 đến Điều 248), nêu những quy định chung trong thực thi quyền bằng biện pháp dân sự (các biện pháp dân sự; quyền và nghĩa vụ chứng minh; giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải, trọng tài); các nguyên tắc, căn cứ xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chương XVII – Thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính và hình sự

Chương này gồm 2 mục, 9 điều (từ Điều 249 đến Điều 257) quy định về hành vi vi phạm hành chính và tội phạm về sở hữu trí tuệ; hàng giả về sở hữu trí tuệ; các biện pháp xử lý hành chính đối với hàng giả về sở hữu trí tuệ; thẩm quyền, thủ tục, biện pháp xử lý vi phạm hành chính và hình sự; các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ.

Phần thứ sáu – Điều khoản thi hành, gồm 4 điều (từ Điều 258 đến Điều 261).

Phần này quy định về khiếu nại, tố cáo, điều khoản chuyển tiếp, hướng dẫn thi hành và hiệu lực của Luật.

Toàn văn dự thảo Luật sở hữu trí tuệ

 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội Khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top