Nền kinh tế thị trường phát triển, các giao dịch phát sinh chủ yếu thông qua hình thức ký kết hợp đồng nhằm tạo ra những nguyên tắc và đảm bảo tính rằng buộc giữa các bên trong quá trình thực hiện. Một trong những loại hợp đồng phổ biến nhất hiện nay là Hợp đồng mua bán tài sản. Vậy khi ký hợp đồng mua bán tài sản cần lưu ý những gì?
Điều 430 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: ‘Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”.
Như vậy, Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, các điều khoản trong hợp đồng do các bên tự thương lượng, đàm phán sao cho phù hợp với mục đích của giao dịch, và không vi phạm điều cấm của pháp luật. Theo đó, khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản, để hợp đồng có hiệu lực pháp luật,đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, các bên cần lưu ý các vấn đề sau:
- Đối tượng của hợp đồng: Điều 431 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đối tượng của hợp đồng, đó là “tài sản” theo quy định. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó. Về nguyên tắc, tài sản có đăng ký thì phải có giấy tờ, quyền về tài sản cũng phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh quyền đó thuộc sở hữu, sử dụng của bên bán, chuyển nhượng.
- Điều khoản về giá: Đơn giá có thể xác định theo giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá đối với trường hợp từ khi ký hợp đồng đến lúc thực hiện hợp đồng cách nhau khoảng thời gian dài.
- Điều khoản về thanh toán, bao gồm: đồng tiền thanh toán, thời điểm thanh toán, hồ sơ thanh toán, tài khoản thanh toán.
- Các điều khoản về thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng. Ví dụ: Có cần đặt cọc không, khi mua bán hàng hóa cần thực hiện theo các bước như thế nào, thời gian thực hiện ra sao, thời điểm giao hàng như thế nào,…
- Quyền, nghĩa vụ của các bên: Đối với bên bán, chuyển nhượng có quyền được nhận đủ tiền và phải có nghĩa vụ giao hàng đúng thời gian, địa điểm, bảo đảm về số lượng, chất lượng, chủng loại của tài sản; bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đem bán… Đối với bên mua, nhận chuyển nhượng: có nghĩa vụ trả đủ tiền, có quyền yêu cầu bên bán, chuyển nhượng giao đúng vật, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại theo thời gian, địa điểm đã được thỏa thuận.
- Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, rủi ro. Cần lưu ý đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì các bên thỏa thuận các nghĩa vụ về thuế, lệ phí đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
- Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại: Đây là một loại chế tài có ý nghĩa phòng ngữa răn đe và trừng phạt nếu có vi phạm, nhằm nâng cao ý thực tôn trọng hợp đồng của các bên. Mức phạt thường do các bên ấn định một số tiền phạt cụ thể hoặc đưa ra cách thức tính tiền phạt theo phần trăm giá trị hợp đồng vi phạm.
- Các trường hợp loại trừ trách nhiệm. Quy định chi tiết các trường hợp loại trừ trách nhiệm, điều kiện, đặc biệt cần lưu ý về trường hợp bất khả kháng.
- Các điều khoản khác của hợp đồng: như hiệu lực hợp đồng, giải quyết tranh chấp, cam kết của các bên…
Để biết thêm thông tin và được tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ lại với Link & Partners.