Những điểm mới của Luật Cư trú ảnh hưởng đến mọi người dân

Chiều ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ 01/7/2021). Dưới đây là tổng hợp các điểm mới, đáng chú ý của Luật này.

1/ Khai tử sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào năm 2023

Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021, ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Đặc biệt, nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như vậy, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng nữa.

2/ Khi nào sổ hộ khẩu bị thu hồi?

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Trong đó, các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 gồm:

– Thay đổi chủ hộ;

– Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

– Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.

Như vậy, trong 03 trường hợp nêu trên, sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi.

3/ Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư

Khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định:

Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.

Đồng thời, khi đăng ký thường trú, khoản 3 Điều 22 Luật này nêu rõ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người dân về việc cập nhật.

Như vậy, có thể thấy, từ ngày 01/7/2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.

luật cư trú

Tổng hợp điểm mới của Luật Cư trú 2020 (Ảnh minh họa)

4/ Bỏ nhiều nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu

Bởi theo Luật Cư trú này, từ ngày 01/7/2021 không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật này. Cụ thể:

– Tách sổ hộ khẩu. Thay vào đó sẽ cập nhật, điều chỉnh thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin này;

– Điều chỉnh thay đổi thông tin về cư trú: Rà soát, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú… khi đủ điều kiện thì làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…

5/ Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú

Bởi việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú sẽ nhanh hơn so với hiện nay. Cụ thể, khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan đăng ký cơ trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; thông báo cho người đăng ký biết

Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục này đang quy định là 15 ngày (Căn cứ khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).

6/ Không còn điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP. HCM

Một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020:

– Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó;

– Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…

Có thể thấy, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân.

luat cu tru sua doi co nhieu diem moi                                         Luật Cư trú năm 2020 có nhiều điểm mới đáng chú ý (Ảnh minh họa)
7/ Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người được đăng ký thường trú

Đây là phương án được số đông đại biểu Quốc hội đồng ý về việc đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú, phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.

Ngoài ra, còn cần phải chuẩn bị:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

– Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật…

8/ Sửa đổi đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình

Khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung quy định về hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nêu tại Luật BHYT như sau:

Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú

Trong khi đó, quy định cũ đang định nghĩa hộ gia đình tham gia BHYT gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Như vậy, từ ngày 01/7/2021 – ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đã thay đổi từ “toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú” sang “cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp”.

9/ Đi khỏi nơi thường trú 12 tháng phải khai báo tạm vắng

Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú. So với quy định tại Luật Cư trú hiện nay, từ 01/7/2021, bổ sung thêm trường hợp công dân phải khai báo tạm vắng:

Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Như vậy, khi đi khỏi xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không phải bị can, bị cáo đi khỏi nơi cư trú 01 ngày trở lên, người đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi huyện từ 03 tháng liên tục trở lên… và chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.

Các đối tượng nêu trên có thể khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác.

Riêng người chưa thành niên khai báo tạm vắng thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Những đối tượng này phải khai báo tạm vắng với nội dung gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

điểm mới của Luật Cư trú


Luật Cư trú 2020: Nhiều quy định liên quan đến sổ hộ khẩu bị xóa bỏ (Ảnh minh họa)

10/ Các trường hợp không được đăng ký thường trú mới

Nội dung này được quy định tại Điều 23 Luật Cư trú năm 2020. Cụ thể gồm:

– Nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống….

– Toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng.

– Đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết.

– Bị tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

– Là nhà ở đã có quyết định phá dỡ.

11/ Bán nhà có thể bị xóa đăng ký thường trú

Điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú nêu rõ:

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, chọ mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này

Theo đó, nếu một người đã bán nhà cho người khác, sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới sẽ bị xóa đăng ký thường trú trừ trường hợp:

– Được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, mượn, ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ đó;

– Được chủ nhà mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Ngoài ra, các trường hợp sau đây cũng sẽ bị xóa đăng ký thường trú:

– Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

– Ra nước ngoài để định cư;

– Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú;

– Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng…

12/ Thêm nhiều trường hợp bị hạn chế cư trú

Mặc dù công dân có quyền tự do cư trú nhưng trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú sau đây, công dân sẽ bị hạn chế quyền này:

– Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam;

– Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;

– Người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ;

– Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách (mới)

– Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (mới);

– Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;

– Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (mới).

– Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng (mới).

Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh; địa bàn có tình trạng khẩn cấp; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ (mới).

– Các trường hợp khác theo quy định của luật (mới).

13/ Nơi cư trú của người không có thường trú, tạm trú

Là nội dung mới được đề cập đến tại Điều 19 Luật Cư trú năm 2020. Theo đó, việc xác định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được quy định như sau:

– Là nơi ở hiện tại của người đó;

– Trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.

– Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Đáng chú ý: Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Đây là quy định hoàn toàn mới, chưa từng được ghi nhận trong Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Đồng thời, Luật 2020 cũng bổ sung nơi cư trú của một số đối tượng khác như:

– Người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc, chức việc… sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trừ trường hợp có nơi cư trú khác;

– Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đó;

– Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở trợ giúp xã hội.

– Người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là nơi cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

14/ Thay đổi hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1, Luật Lý lịch tư pháp nêu rõ hồ sơ phải bao gồm bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp phiếu này.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 37 Luật Cư trú 2020 đã bãi bỏ quy định này. Do đó, từ ngày 01/7/2021, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ cần chuẩn bị:

– Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

– Bản chụp giấy Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Nguồn: Luật Việt Nam

15/ Lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú

Quy định cũ tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú nêu rõ, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định:

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú

Như vậy, quy định mới cho phép người dân đến và sinh sống tại một địa điểm ngoài địa điểm đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên mới phải đăng ký tạm trú.

Nguồn: Luật Việt Nam

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top