Những bất cập trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay

Hiện nay, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, cơ sở pháp lý cho sở hữu trí tuệ đã ở mức độ hoàn thiện. Tuy vậy, ở Việt Nam, văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ được ban hành rất muộn và những quy định pháp luật hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ bộc lộ quá nhiều hạn chế. Điều đó kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều vấn đề nan giải.

  1. Cơ sở pháp lý về xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động này trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp quy gồm luật, nghị định, thông tư nhìn chung đã phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần chỉnh sửa.

  1. Quy định về điều kiện đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ

Điều 72 Luật SHTT quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Như vậy, phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa vẫn rất hẹp và không tương thích với quy định của Hiệp định TRIPs. Trong khi đó, theo các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia, các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa được quy định rất rộng. Cụ thể, theo Điều 15 Hiệp định TRIPs thì bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá. Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, điều kiện duy nhất để một hoặc những dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá chỉ là khả năng phân biệt với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhauNhư vậy, về nguyên tắc, bất kỳ dấu hiệu nào cho dù là có thể nhìn thấy như từ ngữ, hình ảnh, màu sắc (bao gồm màu sắc trong sự kết hợp với các yếu tố khác hoặc chỉ riêng màu sắc), không gian ba chiều hoặc không được nhìn thấy như âm thanh, mùi, vị nếu như có khả năng phân biệt đều có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hoá.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các dấu hiệu truyền thống, phổ biến như từ ngữ, hình ảnh, màu sắc, các dấu hiệu khác như không gian ba chiều, như hình dáng bên ngoài của một tổ hợp kiến trúc gồm nhà hàng, khách sạn, khu giải trí, khu thương mại được đăng ký là nhãn hiệu hàng hoá (Nhãn hiệu số 2048209 của Vương quốc Anh); âm thanh, cũng được đăng ký là nhãn hiệu âm thanh cho điện thoại Nokia (Nhãn hiệu số 001040955 của Cộng đồng Châu Âu.); mùi của hoa hồng được đăng ký là nhãn hiệu cho chỉ thêu – Dữ liệu từ vụ Re Clarke 17 USPQ 2d 1238 (1990) của Mỹ; màu sắc, màu tím được đăng ký là nhãn hiệu màu cho kẹo socola (Nhãn hiệu số 000031336 của Cộng đồng Châu Âu.);…đã đóng vai trò tích cực là “sự chỉ dẫn”, hay “sự phân biệt” hàng hoá, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau.

  1. Về vấn đề xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại

Pháp luật SHTT đã có những quy định nhằm ngăn ngừa và giải quyết hiện tượng xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại. Tuy nhiên, quy định về phạm vi bảo hộ quyền đối với tên thương mại chưa rõ ràng và khó thực hiện. Cụ thể trong Điều 76 Luật SHTT quy định: “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”, tuy nhiên rất khó để xác định phạm vi “khu vực kinh doanh”. Trên thực tế, qua các vụ việc do Cục SHTT xử lý trong quá trình xác lập quyền, dường như Cục mặc nhiên xác định phạm vi bảo hộ tên thương mại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Điểm k Khoản 2 Điều 74 Luật SHTT quy định một trong những trường hợp để nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt và bị từ chối bảo hộ nếu nhãn hiệu đó là “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”. Trên thực tế, không phải trường hợp nào dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại cũng có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, việc tra cứu xem liệu nhãn hiệu xin đăng ký có trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác hay không rất khó khăn vì Việt Nam không có hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất.

  1. Về nhãn hiệu nổi tiếng

Thứ nhất, định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) chưa khái quát được đặc điểm, bản chất của NHNT; quy định các tiêu chí xác định NHNT chưa rõ ràng; các quy định pháp luật hiện hành chưa đủ để phân biệt NHNT với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi (được ghi nhận tại Điều 74.2(g) Luật SHTT) và nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi (được đề cập trong một số văn bản pháp luật như Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Thông tư 11/2015-TT-BKHCN).

Pháp luật Việt Nam không có quy định thế nào là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Theo Điều 19.1(d) Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, nhãn hiệu được coi là sử dụng rộng rãi nếu chủ thể yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cung cấp được các chứng cứ chứng minh: chủ thể kinh doanh đã sử dụng nhãn hiệu một cách rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến, có thể bao gồm: các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi có mức độ phổ biến và danh tiếng, uy tín ở Việt Nam thấp hơn NHNT và chưa đạt đến mức NHNT. Tuy vậy, nếu đặt quy định nêu trên của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN với các quy định pháp luật hiện hành về NHNT, vẫn không đủ cơ sở để phân biệt 2 đối tượng này. Chính vì quy chế pháp lý dành cho NHNT và nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi rất khác biệt, cho nên quy định pháp luật về từng đối tượng giúp xác định đúng một nhãn hiệu là NHNT hay nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi có giá trị pháp lý và thực tiễn.

Thứ hai, thẩm quyền công nhận NHNT được trao cho Toà án và Cục SHTT nhưng lại thiếu các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục công nhận NHNT.

Xuất phát từ những hạn chế pháp lý nêu trên và với nhận thức chưa đầy đủ, thiếu chính xác về NHNT dẫn tới những vướng mắc trong bảo hộ, thực thi quyền đối với NHNT tại Việt Nam. Cụ thể là: Trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc huỷ bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT đã nhiều lần phải xem xét một nhãn hiệu có được coi là nổi tiếng hay không. Theo quy định của Luật SHTT, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt và từ chối bảo hộ nếu “dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” (Điều 74.2.g) hoặc “dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác” (Điều 74.2.i). Tuy nhiên, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khá e ngại và lúng túng trong việc xác định một nhãn hiệu là nổi tiếng. Đối với hầu hết trường hợp, nhãn hiệu chỉ được khẳng định là sử dụng và thừa nhận rộng rãi, rất ít trường hợp nhãn hiệu được xác định là nổi tiếng.

Như đã nêu ở trên, hiện nay nhiều NHNT toàn cầu đã hiện diện ở nước ta nhưng lại chưa được công nhận là NHNT tại Việt Nam. Lý do là theo quy định của pháp luật, cần phải có quyết định công nhận của Cục SHTT hay bản án, quyết định của Toà án. Đồng thời, các cơ quan thực thi quyền SHTT gặp khó khăn trong xử lý những vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm nhãn hiệu có danh tiếng, uy tín toàn cầu (INTEL, IBM, BMW…) do quy định chưa rõ ràng về tiêu chí đánh giá NHNT. Chẳng hạn, đối với vụ việc liên quan đến nhãn hiệu INTEL, bên vi phạm sử dụng nhãn hiệu này cho dịch vụ xây dựng chứ không phải cho các sản phẩm về máy tính, phần mềm. Thời điểm hiện tại, chưa có đủ căn cứ để khẳng định INTEL là NHNT. Nếu INTEL được công nhận là NHNT, hành vi nêu trên mặc nhiên bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Trong một số vụ việc, mặc dù một nhãn hiệu cụ thể đã được hầu hết các nước công nhận là nổi tiếng nhưng bên yêu cầu xử lý vi phạm phải chứng minh nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam để vụ việc được giải quyết nhanh chóng hơn. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh (hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn và hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền) chứ không phải là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (như bản chất của nó).

  1. Sáng chế về công nghệ sinh học?

Luật SHTT không đề cập đến sáng chế về công nghệ sinh học. Một trong những nét đặc trưng của công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại (agribiotech) là sự gia tăng tính sở hữu của nó. Không giống như các ngành khoa học nông nghiệp trong quá khứ xuất phát từ các phòng thí nghiệm có quỹ hoạt động từ Nhà nước, hiện nay ngành công nghệ sinh học được bảo vệ bởi các bằng sáng chế và các quyền về SHTT.

Hiện nay, sở hữu các bằng sáng chế và các quyền về SHTT trong công nghệ sinh học nông nghiệp là một vấn đề tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo ra sản phẩm và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, sáng chế có thể bao gồm: các phương pháp chuyển gen ở thực vật, các vector, gen…và ở các quốc gia cho phép cấp bằng sáng chế cho các  thể thức sống cao hơn như thực vật hay động vật biến đổi gen.

Qua một vài phân tích nêu trên có thể thấy Luật SHTT còn có những quy định chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm, dẫn đến áp dụng Luật thiếu nhất quán và tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật SHTT một cách cảm tính, dẫn đến những khó khăn trong quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Không phải chỉ ở những nước kém phát triển và nước đang phát triển như Việt nam, pháp luật mới tồn tại hạn chế, bất cập mà ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển và hệ thống pháp luật được coi là hoàn thiện nhất thế giới, chúng ta vẫn tìm thấy những lỗ hổng, những khiếm khuyết. Điều quan trọng là chúng ta phải nghiêm túc, thận trọng và khách quan khi nhìn nhận những khiếm khuyết đó và có phương hướng, cách thức hoàn thiện nó.

Từ những hạn chế phân tích ở trên, để góp phần hoàn thiện pháp luật SHTT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, xin có một số kiến nghị sau:

Một là, phải bổ sung các quy định, khái niệm còn thiếu ít nhất là trong sự nhất quán với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên, những quy định đã có thì phải được giải thích rõ ràng hơn trong luật hoặc trong văn bản dưới luật. Ví dụ như quy định thế nào là nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng…

Hai là, nên xem xét việc tách Luật SHTT ra thành các luật chuyên ngành hẹp như luật sáng chế, luật nhãn hiệu, luật bản quyền… để đảm bảo các quy phạm pháp luật chuyên biệt được quy định chi tiết và cụ thể hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ba là, đối với nhãn hiệu, nên sửa đổi Luật SHTT theo hướng quy định phạm vi rộng hơn những dấu hiệu có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu hàng hoá như: không gian ba chiều, âm thanh, thậm chí cả các dấu hiệu mùi, vị. Thời  hạn “5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực” tại  Điểm d Khoản 1 Điều 95 Luật SHTT cần được điều chỉnh lại còn 3 năm vì đây là thời gian hợp lý, đủ để chứng minh việc không sử dụng nhãn hiệu của chủ đơn.

Bốn là, trong giải quyết vấn đề xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại, Luật SHTT cần quy định cụ thể hơn nữa về việc bảo hộ tên thương mại cũng như xác định phạm vi bảo hộ (phần mô tả và phần tên riêng trong tên thương mại có trùng hoàn toàn với tên của doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh hay không); thời điểm tên thương mại được bảo hộ trong trường hợp doanh nghiệp chưa được thành lập nhưng tên doanh nghiệp đã được thể hiện trong các giấy tờ giao dịch nhằm chuẩn bị cho việc thành lập doanh nghiệp như giải phóng mặt bằng, huy động vốn; cơ quan xác lập quyền đối với nhãn hiệu sẽ không xử lý xung đột giữa nhãn hiệu và tên thương mại mà xung đột này sẽ được xử lý trong quá trình thực thi quyền tại tòa án; chỉ từ chối bảo hộ nhãn hiệu nếu dấu hiệu nêu trong đơn đăng ký trùng với tên thương mại đã được biết đến rộng rãi ở Việt Nam và việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

  1. Nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ và trong các doanh nghiệp còn hạn chế

Nhiều người còn chưa hiểu sở hữu trí tuệ là gì, ngay cả các cán bộ thực thi quyền SHTT cũng chưa nắm vững. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ đã dầy đủ tuy vậy còn có biểu hiện bị chồng chéo ở nhiều văn bản, thiếu sự thống nhất,  nên khó áp dụng.

Mức phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhẹ, thiếu khả năng răn đe và thực thi. Hệ thống các cơ quan thực thi còn yếu, nhất là tòa án xét xử chưa nhiều các vụ án liên quan sở hữu trí tuệ. Trong thực tế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thường được thông qua các quy định về xử lý hành chính hơn là kiện cáo trước tòa do cách này dễ thực hiện, nhanh chóng về thủ tục và ít tốn kém dù nó có một nhược điểm là tính răn đe và hiệu quả chưa cao.

Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về sở hữu trí tuệ còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi. Cho nên, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng bởi đây là cách giải quyết triệt để.

  1. Công tác thẩm định còn chậm, cứng nhắc và thiếu linh hoạt

Các quy định về thời hạn được đưa ra từ Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Tuy nhiên, qua lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 và việc ban hành nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, quá trình áp dụng vào thực tiễn vẫn tồn tại nhiều điểm chưa phù hợp trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả,…Đến nay, các quy định này đã được áp dụng gần 10 năm, do vậy, tình trạng cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề nóng.

Hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả khả quan. Điều này có thể thấy rõ thông qua số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động. Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng gần 10% so với năm trước đó. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới. Trong đó, đáng lưu ý là công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về thời hạn. Đơn cử, theo quy định của Luật, việc xử lý đơn nhãn hiệu từ khi nộp đơn đến khi có kết quả thẩm định chưa đầy 12 tháng, tuy nhiên hiện nay, trên thực tế, theo số liệu thống kê của tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nơi tôi làm việc, đến 90% đơn đăng ký nhãn hiệu kéo dài đến 02 năm vẫn chưa có kết quả.

Ngoài ra, việc thẩm định áp dụng pháp luật quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Đơn cử là một vụ việc đăng ký nhãn hiệu của Công ty Cổ phần Tiêu chuẩn Việt (TCV). Ngày 16/03/2006, Công ty cổ phần Tiêu Chuẩn Việt (sau đây gọi tắt là “Tiêu chuẩn Việt” nộp đơn đăng ký nhãn hiệu TCV-V-STANDA TCV đăng ký nhãn hiệu “SS STANDA, hình” từ năm 2012 (như hình dưới đây) cho các sản phẩm liên quan đến thiết bị điện, ổn áp,…

Đơn cử là việc áp dụng các quy định pháp luật về khả năng phân biệt hay việc nhãn hiệu đã được phía chủ đơn và đại diện sở hữu công nghiệp đã có những ý kiến xác đáng đồng thời có những tài liệu chứng minh việc sử dụng ổn định, lâu dài và được thừa nhận rộng rãi, các đối chứng quốc tế đã không còn được sử dụng tại Việt Nam trong thời gian dài nhưng thẩm định viên vẫn cho rằng chưa có đủ căn cứ để cấp văn bằng.

  1. Cần phải tăng phân quyền trong xử lý đơn đăng ký

Nhằm khắc phục tình trạng chậm trễ trong xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, nhất là đơn đăng ký sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ cần tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình xử lý đơn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xử lý đơn. Với hệ thống văn bản pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đẩy mạnh việc rà soát để tiến tới tham mưu sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định đơn.

  1. Cơ sở dữ liệu Cục Sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập

Cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin còn hạn chế, trang thông tin thư viện chưa hiện đại, thường xuyên gặp tình trạng không thể truy cập, ảnh hưởng tới công tác tra cứu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh việc bổ sung đội ngũ thẩm định viên, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin là đặc biệt quan trọng. Cục Sở hữu trí tuệ cần đầu tư phát triển khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng.

  1. Việc xử lý đơn còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt.

  2. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương còn chưa được phổ cập

Về hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các địa phương, tại một buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, các Sở KH-CN đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Việc đưa vào sử dụng thư viện số trực tuyến về sở hữu công nghiệp trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ địa phương tư vấn chính xác hơn cho doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo đại diện của một số Sở KH-CN, vấn đề thách thức nhất trong giai đoạn vừa qua chính là việc khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để phát triển thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Vì vậy, cần tăng cường hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp địa phương, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Như vậy, chúng ta cần xác định tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, phải coi SHTT là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế; hơn nữa, hoàn thiện pháp luật SHTT cũng như nâng cao chất lượng về hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc các quốc gia phải thực hiện trong tiến trình hội nhập quốc tế. Các quy định pháp luật SHTT phải khắc phục được những bất cập, hạn chế còn tồn tại đã được đề cập. Các cơ quan nhà nước cần sẵn sàng phối hợp cùng các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp trong điều kiện cho phép để chia sẻ những khó khăn mà các tổ chức gặp phải trong quá trình hoạt động, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay.

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top