Nhận diện rủi do pháp lý trong soạn thảo hợp đồng

Hợp đồng là được coi như là một phương tiện để đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các bên tham gia. Nó là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện một giao dịch cụ thể trong cuộc sống nói chung và trong kinh doanh thương mại nói riêng. Do nhiều lý do, việc soạn thảo hợp đồng đôi lúc vẫn còn một số thiếu sót, chưa chặt chẽ về mặt pháp lý hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó có thể dẫn tới các rủi ro khiến cho hợp đồng vô hiệu hoặc gây khó khăn trong việc thực thi hợp đồng.

Link & Partners xin đề cập đến 2 rủi ro cơ bản thường gặp phải trong quá trình soạn thảo hợp đồng, đó là: Rủi ro về hiệu lực của hợp đồng và Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng.

1. Rủi ro về hiệu lực của hợp đồng

1.1 Hợp đồng có thể bị vô hiệu về mặt hình thức

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế trong các giao dịch cũng như đảm bảo tính pháp lý trong các giao dịch có giá trị lớn và thời gian thực hiện kéo dài, pháp luật quy định điều kiện về hình thức của hợp đồng để hợp đồng có hiệu lực pháp luật như: hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc sau khi lập thành văn bản phải được công chứng, chứng thực; hoặc một số hợp đồng bắt buộc phải đăng ký trước khi thực hiện. Nếu không tuân thủ điều kiện về hình thức thì hợp đồng có thể bị vô hiệu, khi đó toàn bộ hợp đồng không có giá trị pháp lý và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, đồng thời có khả năng phải bồi thường thiệt hại liên quan.

1.2 Hợp đồng có thể bị vô hiệu về mặt nội dung

Trong trường hợp nội dung của hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật thì hợp đồng đó cũng sẽ bị tuyên là vô hiệu. Cần lưu ý một số trường hợp thường gặp dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu như sau:

  1. Nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội.

  2. Đối tượng của hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật cấm, trái đạo đức xã hội;

  3. Một trong các bên hoặc cả hai bên không tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng;

  4. Hợp đồng vô hiệu do chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền

Đây là rủi ro phổ biến dẫn đến việc hợp đồng vô hiệu. Các bên trong hợp đồng khi tự mình đàm phán và ký kết hợp đồng thường không kiểm tra kỹ về thẩm quyền ký kết hợp đồng của bên còn lại. Điều đó tiềm ẩn một số rủi ro sau:

  • Chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền

Thẩm quyền ký kết hợp đồng phụ thuộc vào quy định của pháp luật và của nội bộ doanh nghiệp. Khi soạn thảo và rà soát hợp đồng cần tìm hiểu kỹ về năng lực ký kết hợp đồng của đối tác, tránh dẫn đến việc giao kết hợp đồng với chủ thể không có thẩm quyền.

  • Chủ thể ký kết hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện

Trong một số trường hợp, mặc dù chủ thể ký kết hợp đồng đã được người có thẩm quyền ủy quyền hợp pháp để ký kết hợp đồng, tuy nhiên giao dịch đó chưa hẳn là an toàn pháp lý. Lý do là vì chủ thể ký kết hợp đồng đã vượt quá phạm vi đại diện.

2. Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng

Việc sử dụng hợp đồng mẫu hay việc tự soạn thảo hợp đồng mà không nắm rõ các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả là quyền và nghĩa vụ của các bên không được quy định rõ trong hợp đồng, nhiều trường hợp làm giảm tính khả thi của hợp đồng khi thực hiện trên thực tế, thậm chí dẫn đến tranh chấp sau này. Bên cạnh các điều khoản cơ bản của hợp đồng, khi soạn thảo và rà soát hợp đồng, cần lưu ý tới những điều khoản sau đây: Phạt vi phạm hợp đồng; Bất khả kháng; Điều khoản giải quyết tranh chấp; Điều khoản về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Điều khoản về chống cạnh tranh…

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, chỉ một lỗi nhỏ trong soạn thảo hợp đồng cũng  có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của các bên sau này, dẫn dến việc hợp đồng bị vô hiệu, mất thời gian giải quyết tranh chấp, tốn kém chi phí vào các thủ tục tố tụng, mất uy tín khi tranh chấp bị công khai,….. Sự hỗ trợ của luật sư có chuyên môn trong các công việc về soạn thảo, đàm phán hợp đồng là rất cần thiết, điều đó có thể giúp khách hàng đẩy lùi hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro và đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho hợp đồng mà khách hàng tham gia ký kết.

logo

Link & Partners

Là đơn vị tư vấn luật hàng đầu tại Việt Nam.

 Phòng 2403 tòa A3, chung cư Ecolife Capitol, số 58 Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm, Thàn phố Hà Nội, Việt Nam
0243.997.2222 - 0949.592.295
[email protected]

Fanpage

Hotline: 0243-997-2222

Scroll to Top