Vụ việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ trong đêm khiến dân không kịp trở tay đang làm rúng động các trang thông tin những ngày qua.
Người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình,… đang trong những ngày “màn trời chiếu đất” khi lũ lụt càn quét. Riêng Hà Tĩnh đang phải trăn trở với câu hỏi: “quả bom nước” nào đã đổ xuống đầu họ, khiến người dân trở tay không kịp trong ngày 14 và 15/10 vừa qua? Lãnh đạo huyện Hương Khê tiết lộ, nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước.
Việc xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong 4 giờ kèm theo mưa lớn khiến mực nước lên rất nhanh. Nhiều người dân không kịp trở tay. Đáng ra, việc xả lũ phải được thông báo trước, nhưng lãnh đạo huyện Hương Khê cho rằng không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo. Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hố Hô là Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (có trụ sở ở Yên Bái) vẫn một mực khẳng định: “Trong quá trình đợt lũ từ ngày 12 đến 15/10, công ty đã vận hành công trình điều tiết lũ phù hợp với các quy trình được duyệt và không làm tăng nguy cơ thiệt hại cho vùng hạ du”.
Trước những thông tin khác nhau, Bộ Công Thương đã họp khẩn và lập tổ công tác vào điều tra. Ngày 17/10, đoàn công tác sẽ có mặt ở thủy điện Hố Hô để làm rõ vấn đề “có hay không thủy điện Hố Hô bảo vệ nhà máy mà bỏ mặc người dân ở hạ lưu?”
Ông Mai Tiến Dũng phát biểu: “Chính quyền một số địa phương và dư luận cho rằng có nhà máy thủy điệnxả lũ không báo trước gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, NN-PTNT và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-10″
Quy trình vận hành khai thác công trình thuỷ điện, quản lý an toàn đập thuỷ điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ được pháp luật quy định rất chặt chẽ, được điều chỉnh trong rất nhiều văn bản như: Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 về quản lý an toàn đập; Nghị định 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi; Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 quy định về quản lý an toàn đập của Công trình thuỷ điện; Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 quy định về quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng Dự án thuỷ điện và vận hành khai thác công trình thuỷ điện; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/10/2013 về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước;…
Cụ thể, tại Thông tư 34 /2010/TT-BCT Quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện nêu rõ “ Điều 13. Phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập
1. Xây dựng phương án
a) Chủ đập chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo địa bàn;
b) Nội dung phương án phải liệt kê được các đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả phù hợp với từng tình huống lũ khác nhau.
2. Chủ đập phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du:
a) Việc vận hành đóng mở các cửa xả lũ theo quy định;
b) Việc xả lũ khẩn cấp;
c) Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ, thông báo số liệu các lần quan trắc, đo đạc mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu đập; Lưu lượng vào hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng tháo qua tuốc-bin; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ trên cơ sở lưu lượng dự báo vào hồ.
3. Chủ đập chịu trách nhiệm lắp đặt các hệ thống cảnh báo và thông báo tới các chủ đập phía thượng/hạ lưu; báo cáo ngay Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong trường hợp nguy hiểm sắp xảy ra do đập hư hỏng hoặc nguy cơ vỡ đập”
Mặc dù các văn bản được điều chỉnh ở mỗi cấp độ khác nhau, nhưng tất cả các văn bản nói trên đều có một điểm chung rất quan trọng đó là quy trình vận hành phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, hạn chế mức xả tối thiểu khi xả lũ khẩn cấp. Đặc biệt khi vào mùa mưa lũ thì chủ đập chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập. Theo đó, bên cạnh việc khi xả lũ khẩn cấp phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền thì trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ, các nhà máy thuỷ điện, thủy lợi cũng bắt buộc phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du về số liệu các lần quan trắc, đo đạc mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu đập; lưu lượng vào hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng tháo qua tuốc-bin; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ trên cơ sở lưu lượng dự báo vào hồ… để tổ chức dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du biết được và thông báo đến trực tiếp người dân đề phòng, chuẩn bị.
Theo quy định của BLDS và nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định khi có đủ 4 điều kiện bao gồm: có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Trong tình huống này, lãnh đạo nhà máy đã xả lũ khả năng xả lũ không đúng quy trình là rất cao dù đã có thể tiên đoán trước được hậu quả có thể xảy ra cho vùng hạ du nhưng vẫn xả lũ. Ngoài ra, thời điểm xả lũ lại vào buổi tối, thời gian quá gấp, nước lên quá nhanh nên người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn, gây hậu quả nặng nề. Để đòi lại quyền lợi cho mình, người dân các xã này có thể làm đơn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại cho những tổn thất mà nhà máy thủy điện đã gây ra.