Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Thông thường, chủ thể đăng ký nhãn hiệu thường đăng ký nhãn hiệu là một cụm từ, một từ hoặc chữ cái (dấu hiệu chữ) … nhưng với nhiều lý do nếu chỉ dấu hiệu chữ sẽ không đáp ứng điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, cụ thể là không đáp ứng được khả năng phân biệt với các nhãn hiệu đối chứng khác. Khi đó, chủ thể nộp đơn thường tìm đến phương án thiết kế thêm các hình vẽ, màu sắc (dấu hiệu hình) nhằm tăng khả năng phân biệt cho nhãn hiệu. Sau đây sẽ là một số lưu ý khi thiết kế dấu hiệu hình đối với chủ thể đăng ký tránh các trường hợp dấu hiệu hiệu hình bị coi là không có khả năng phân biệt (điểm 39.4 thông tư 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung TT 16/2016/TT-BKHCN), cụ thể là:
Dấu hiệu hình là hình học phổ thông như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác hoặc hình vẽ đơn giản; hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm;
Hình vẽ, hình ảnh quá rắc rối phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điểm của hình như gồm quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau;
Hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng đã được sử dụng rộng rãi;
Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; địa điểm, phương pháp sản xuất, nguồn gốc địa lý, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trí hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
Dấu hiệu hình trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của người khác;
Dấu hiệu hình trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam hoặc của nước ngoài; trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vị bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.