1. Phân biệt các loại thẻ
Hiện nay, mỗi cá nhân đều có ít nhất một thẻ ngân hàng, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được bản chất của từng loại thẻ trên. Lý do là bởi các ngân hàng đang phát hành rất nhiều các loại thẻ khác nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng trong công dụng. Điều này làm nhiều người khó xác định được chính xác thẻ mà mình đang sử dụng.
Theo tiêu chí nguồn tiền tiêu dùng trong thẻ, thẻ ngân hàng được chia thành 3 loại đó là:
Thẻ tín dụng (Credit Card): Đây là loại thẻ ngân hàng cho phép khách hàng được chi tiêu trước, trả tiền sau theo hạn mức và thời gian quy định của ngân hàng. Thông thường sẽ là 45 ngày, nếu quá hạn nợ trên thì ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi suất trả chậm và phí cho khoản tạm ứng trước của khách hàng. Hạn mức lãi suất áp dụng cho khách hàng trả chậm dao động từ 25- 30%/năm.
Thẻ ghi nợ (Debit Card): Đây là loại thẻ mà người dùng cần phải nạp tiền vào trước thì mới có thể chi tiêu, thanh toán hay rút tiền mặt. Số tiền thanh toán cần phải nhỏ hơn số tiền có trong thẻ tối thiểu là 50 nghìn đồng. Hiện nay, có hai loại thẻ ghi nợ phổ biến là thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế. Trong đó:
Thẻ ghi nợ nội địa: Có phạm vị sử dụng được thực hiện trong nước, thường là miễn phí (tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng).
Thẻ ghi nợ quốc tế: Thẻ ghi nợ bao gồm các loại thẻ sau: Visa debit, Master card debit, JBC debit … Các loại thẻ này đều có khả năng sử dụng tại tất cả quốc gia và có tính phí khi quy đổi ngoại tệ.
Thẻ trả trước (prepaid card): là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành.
2. Các khoản phí phải chịu khi sử dụng thẻ Ngân hàng
Với số lượng dịch vụ phong phú nên các loại phí dịch vụ ngân hàng cũng rất đa dạng. Mức phí sử dụng thẻ ngân hàng hiện nay được quy định như sau:
Phí duy trì tài khoản ngân hàng: là số dư tối thiểu có trong tài khoản thẻ. Phí duy trì tài khoản của các ngân hàng trong nước thường dao động từ 5000 VND đến 15000 VND/tháng.
Phí thường niên: là phí dịch vụ ngân hàng phải đóng hàng nằm để duy trì tài khoản thẻ ngân hàng và các dịch vụ khác của thẻ. Mức phí thường niên hiện tại được quy định cho thẻ ghi nợ hay thẻ thanh toán nội địa là từ 0 đồng đến 60.000 đồng/thẻ/năm;
Phí quản lý tài khoản: Mức phí quản lý tài khoản mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, trong đó có hai loại dịch vụ chủ yếu là phí SMS Banking và phí Mobile Banking/Internet Banking.
Phí chuyển tiền, rút tiền: Phí chuyển tiền, rút tiền phí phải trả khi khách hàng chuyển/rút tiền qua tài khoản ngân hàng, cây ATM hoặc từ quầy giao dịch. Thông thường mức phí này giao động từ 0 đồng đến 3000 đồng/giao dịch.
Phí giao dịch ở nước ngoài: Khi đi du lịch nước ngoài, người dùng sẽ phải thanh toán hóa đơn và sử dụng thẻ tại các máy ATM khác nhau. Vì vậy, mỗi giao dịch sẽ bị thu phí theo quy định của ngân hàng tại quốc gia đó. Mức phí này thường được tính dưới 3% trên tổng số tiền giao dịch.
Phí in sao kê: Khách hàng có thể in sao kê các giao dịch cá nhân của mình để kiểm tra tài chính hoặc xác thực tài chính. Phí in sao kê của các ngân hàng dao động từ 100 đồng đến 500 đồng/giao dịch đối với nội mạng và 300 đồng – 800 đồng/giao dịch đối với giao dịch ngoại mạng.
3. Thẻ ngân hàng để lâu không sử dụng có bị khóa không?
Thời gian thẻ ATM bị khóa sẽ tùy thuộc vào từng loại thẻ cũng như quy định của mỗi ngân hàng. Thông thường, thẻ ATM sẽ có thời hạn dùng từ 3-5 năm là phải gia hạn lại. Tuy nhiên, có những trường hợp bị bỏ quên thẻ và lâu không sử dụng.
Vấn đề thẻ ngân hàng để lâu không sử dụng có bị khóa không sẽ tùy thuộc vào loại thẻ được sử dụng. Theo đó, quy định của từng loại thẻ sẽ như sau:
Thẻ ATM nội địa: Khi không phát sinh giao dịch từ 1 năm đến 1,5 năm, thẻ ATM sẽ rơi vào trạng thái ngủ. Có nghĩa là giao dịch chuyển khoản, rút tiền sẽ bị khóa 1 chiều.
Thẻ ATM trả trước: Loại thẻ này phát hành độc lập với tài khoản thanh toán nên dù không sử dụng thì thẻ vẫn không bị khóa. Thẻ chỉ bị khóa trong trường hợp khách hàng yêu cầu hoặc do hết hạn sử dụng.
Thẻ ATM ghi nợ: Do kết nối trực tiếp với tài khoản thanh toán nên nếu không sử dụng trong vòng 12 đến 18 tháng thì thẻ sẽ bị khóa.
Thẻ ATM tín dụng: Không có quy định về thời gian khóa thẻ tín dụng khi không sử dụng. Phí thường niên vẫn sẽ bị thu hàng năm, trường hợp không đóng phí thẻ sẽ không bị khóa. Song, khoản phí này sẽ chuyển thành nợ xấu.
4. Rủi ro khi không còn sử dụng thẻ và cần làm gì khi không còn sử dụng?
Do quy trình bảo mật tại các ngân hàng khá chặt chẽ. Vì vậy, trường hợp lâu không sử dụng thẻ ATM cũng sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trường hợp không sử dụng thì khách hàng vẫn bị tính phí duy trì hoặc phí thường niên. Nó được xem là một khoản nợ mà khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng. Các khoản nợ này thường phát sinh với loại thẻ credit (thẻ tín dụng) và ít xảy ra với những trường hợp thẻ ATM ghi nợ.
Và để tránh tình trạng phát sinh phí đối với thẻ ATM lâu không sử dụng. Khách hàng cần xác định có tiếp tục sử dụng trong tương lai không. Để giải quyết vấn đề này, có thể xử lý theo cách sau:
Trước tiên, chủ thẻ cần kiểm tra lại thẻ ATM mà mình không còn sử dụng. Sau đó, nếu xác định không có nhu cầu dùng thì hãy đến trực tiếp ngân hàng để hủy thẻ.
Với loại thẻ liên kết với tài khoản thanh toán mà đăng ký SMS Banking thì hủy luôn các dịch vụ đi kèm khi hủy thẻ. Ngân hàng sẽ tính phí hàng tháng, sau đó cộng dồn và truy thu.
Căn cứ pháp luật: Thông tư 35/2012/TT-NHNN, Thông tư 19/2016/TT-NHNN.