Một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 là: “…9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này”. Khoản 3, điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ như sau: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”. Như vậy, khi người lao động (NLĐ) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng NLĐ phải thông báo cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày trước khi nghỉ việc (trừ trường hợp lao động lao động nữ mang thai có thể chấm dứt sớm hơn theo quy định tại Điều 156). Mặc dù pháp luật không quy định về hình thức thông báo nhưng để bảo đảm việc chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ là đúng quy định pháp luật, NLĐ nên gửi thông báo bằng văn bản. Trong đó, ghi rõ nội dung đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thời điểm NLĐ sẽ chính thức nghỉ việc và yêu cầu người hoặc phòng/ban có thẩm quyền phụ trách xác nhận việc nhận thông báo của mình.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định cụ thể tại điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012, theo đó kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
Thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của NLĐ trong thời hạn 7 ngày đến 30 ngày (tiền lương còn lại, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết);
Hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác của NLĐ.
Về trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc của người sử dụng lao động: Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012; Khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6, điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP; Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”