Không chỉ rốt ráo truyền bá mê tín dị đoan, CLB Tình Người còn được mệnh danh là “gà đẻ trứng vàng” cho Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng bởi hàng loạt các chiêu trò thông qua hình thức trả nghiệp, kinh doanh vật phẩm tâm linh… Tất cả đều được lên kế hoạch hết sức tinh vi…
Trong Kỳ 1: Vén bức màn bí ẩn CLB Tình Người mang màu sắc “ma mị” giữa Thủ đô: Núp bóng tình nguyện – truyền bá tà đạo, vào vai một thành viên của CLB tham gia buổi sinh hoạt, PV Đại Đoàn Kết đã được chứng kiến những buổi rao giảng, truyền bá các tư tưởng, “đạo lý” được ngược lại với thuần phong mỹ tục, đậm “mùi” mê tín dị đoan dưới cái mác “kết nối những trái tim nhân ái”, “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng”….
Tại đây, tất cả những vấn đề bất ổn trong cuộc sống của những thành viên CLB đều được lí giải với góc độ “nghiệp” và xung quanh chúng ta đều là “vong”.
Không những vậy, trong suốt quá trình truyền bá giáo lý của mình cũng như những nội dung được trình bày trong cuốn sách “pháp bảo”, CLB Tình Người liên tục nhắc nhở các thành viên cần “Tạo phúc và trả nợ”. Trong đó nhấn mạnh việc mang tiền của đi công đức, xây dựng chùa chiền, miếu mạo… và góp tiền làm từ thiện. Song song với đó là cúng tiền để “trả nợ” cho mình và gia tiên.
Theo đó, mỗi năm sẽ có 2 lần tạo phúc, 2 lần trả nợ cho bản thân, gia đình, gia tiên và những người mình nợ, những người giúp mình. Ngoài ra, hàng tháng có lộ phí đi đường cho gia tiên (“Pháp bảo” – trang 45). Tất cả số tiền này “phải đi làm cho cộng đồng, người ngoài, tuyệt đối không biếu bố mẹ mình hay những người trong dòng họ”.
Tinh vi các chiêu trò “tận thu” thành viên
Một trong những điều kiện bắt buộc để vào CLB Tình Người là người từ 30 tuổi trở lên, có điều kiện kinh tế nhất định. Để được chính thức trở thành thành viên CLB, người tham gia sau khi đã trải qua các buổi học về giáo lý còn được xét duyệt kĩ càng thông qua các bài kiểm tra, thái độ, nhân tướng… Cũng từ đây, các thành viên trở thành “con bò sữa”.
Giáo lý về thời mạt pháp, vong, nghiệp… sau khi đã được truyền bá thông qua các buổi chia sẻ trước đó lúc này bắt đầu phát huy tác dụng. “Cô Thuận” (một người phụ nữ trung niên được xem như vị “Giáo chủ” của CLB, luôn được các “Ngài” “sang tai” để dạy trí tuệ cho các thành viên) cùng các “chân rết” của mình liên tục nhắc nhở các thành viên tích cực trả nghiệp thông qua việc cúng tiền gia tiên, công đức xây chùa và làm tình nguyện…
Cô Thuận dặn rất kĩ: “Mình phải trả (Nghiệp – PV) cho gia tiên, cho bố mẹ mình, trả cho vợ chồng mình để không bị nợ (Nghiệp – PV) nữa. Ví dụ chúng ta để dành được 5 triệu thì không được cúng rằng: con làm phúc 5 triệu cho tất cả mọi người đâu. Phải ghi rõ ông bà mình tên là gì, tuổi bao nhiêu, địa chỉ ở đâu, số tiền bao nhiêu.
Cả người thân lẫn những người giúp đỡ mình trong kiếp quá khứ cũng như kiếp hiện tại này. Đối với vong linh gia tiên, dòng họ phải nhiều tiền nhất, … “
Chị N.T.Q. (39 tuổi, Nghệ An, đã từng tham gia CLB 2 năm) cho biết: “Phải ghi đầy đủ họ tên những người thân đã khuất cùng tiền cúng cho mỗi người vào 1 tờ giấy và hành lễ. Sau đó tờ giấy đem đốt đi, còn tiền thì mang đến CLB, tiền này gọi là lộ phí gia tiên. Mỗi tháng cúng một lần, có khi cả vài lần”.
Tất cả số tiền lộ phí cúng gia tiên, tiền quyên góp tình nguyện này được ghi chép sơ sài trên những quyển sổ của CLB, còn tiền sau đó đi đâu, được làm gì thì ít học viên được biết. Tất cả các khoản thu chi của CLB đều không được công khai rõ ràng với toàn thể học viên.
Không những vậy, CLB còn không ngớt lời “quảng cáo” về độ thiêng của các bộ đồ thờ bằng đồng có giá trị từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Riêng một bát hương đồng ngũ sắc tại đây có giá 24 triệu đồng, một bộ đồ đồng ngũ sắc khác cũng có giá lên đến 59 triệu đồng… dù giá trị của những vật phẩm này ngoài thị trường thấp hơn rất nhiều.
Tinh vi hơn, CLB không kinh doanh hay buôn bán các vật phẩm này mà dưới hình thức “mua hộ”, “đặt hộ”. Trong buổi chia sẻ, một “chân rết” nhấn mạnh: “Xuất phát từ cái tâm của anh chị khởi lên như vậy rồi thì anh chị thì anh chị có muốn nhờ chúng em đặt bộ đồng không ạ? Anh chị xuất phát từ cái sự tin tưởng đúng không? Và các anh chị cũng mong muốn nhờ giúp…”.
Số tiền chênh lệch từ việc “mua hộ” đồ đồng, đồ thờ cúng này nằm ở đâu thì chưa có báo cáo nào của CLB Tình Người nhắc đến.
Không chỉ dừng lại ở đó, tại mỗi buổi chia sẻ, các thành viên liên tục được nhắc nhở mua nước uống tại CLB để mời tất cả mọi người (khoảng vài trăm người/1 lớp) để tạo duyên.
“Cơ hội được mời nước tuyệt vời nhất mà nhiều người chẳng biết mời nhưng có thể bỏ tiền đi du lịch vài chục triệu lên đến cả trăm triệu. Sao không bớt một chuyến du lịch vài chục triệu để mời 10 lớp (mua nước tại CLB – PV). Nếu có ân thì trả ân, nếu có oán thì giải oán, không có ân oán thì tạo duyên, tạo phúc…” – một “chân rết” chia sẻ trong buổi học.
Bí ẩn các khoản thu bạc tỷ
Trong các giáo lý được truyền bá tại CLB nhắc rất nhiều đến “tạo phúc đức” thông qua việc đón nhận các “duyên đặc biệt” như công đức xây dựng tượng Phật, chùa chiền… Vẫn với hình thức “rỉ tai”, “truyền tai” nhau nhưng lần này hiệu quả hơn rất nhiều, các khoản thu cũng rất “khủng”.
Thông thường, những “duyên đặc biệt” kiểu này chỉ được truyền đến tai những thành viên có điều kiện kinh tế trong CLB, trước đó đã “nằm lòng” giáo lý được học. Qua sự tin tưởng tuyệt đối của các thành viên, CLB thu về số tiền lớn từ “duyên đặc biệt” này.
Đáng nói, tất cả số tiền này đều là thành viên tự nguyện đóng góp cho CLB, những người đứng đầu như Nguyễn Hồng Thuận, Kim Bình Trọng nhưng việc thu chi thế nào, tiền được sử dụng cho việc gì thì không nhiều thành viên biết.
H.D.M. (41 tuổi, Hà Nội) đã từng hoạt động tại CLB Tình Người 2 năm cho biết: “Cái tinh vi của Tình Người ở chỗ làm cho người ta tự mang tiền đến nộp cho mình mà không mảy may nghi ngờ gì. Hồi còn ở Tình Người, chỉ cần được rỉ tai nhau có cái duyên xây cột đình, cổng chùa khoảng 200 triệu thôi là ai cũng muốn phát tâm làm phúc”.
Tại đây, các thành viên cũng được dạy: “Làm phúc thì phải âm thầm và không ai biết mới là đại phúc” bởi thế sau khi đã góp một số tiền lớn để làm công đức, làm phúc, ai cũng nghĩ mình là người duy nhất được đón cơ hội đặc biệt này.
“Thế rồi ai cũng lên ‘gặp riêng’ để đóng góp và nghĩ mình là người duy nhất nhưng thực tế có bao nhiêu người ‘gặp riêng’ thì chỉ người cầm tiền mới biết” – M. nói thêm.
Như vậy, một năm có không biết bao nhiêu “duyên” từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng được đóng góp cho CLB Tình Người. Tất cả các khoản này đều không được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ nào cả.
Do vậy, ngoài những khoản phí sinh hoạt của thành viên hàng tháng, số tiền đóng góp cho các chuyến tình nguyện, thực tế số tiền thu về của CLB Tình Người “khủng” hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các thành viên còn được khuyến khích “gieo duyên” thông qua việc giới thiệu người thân, bạn bè quen trên 6 tháng để đến CLB học hỏi nhằm mở rộng quy mô của CLB. Tất cả đều trải qua quá trình tuyển chọn vô cùng khắt khe, việc “gieo duyên” cũng được CLB đào tạo na ná với kịch bản bán hàng đa cấp chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, CLB cũng được đầu tư rất nhiều về mặt hình ảnh, có đội ngũ SEO chuyên nghiệp, mở rất nhiều website vệ tinh nhằm đẩy kết quả tìm kiếm của CLB lên top đầu công cụ tìm kiếm Google. Một loạt các trang web thường xuyên đưa tin về hoạt động của Tình Người có thể kể đến: tinhnguoi.vn, trituecongdong.com, ctd.tinhnguoi.vn, tamlongvang.org, nhandao.org… CLB này cũng thành lập cả kênh YouTube riêng với hơn 2.000 người đăng kí.
Dựa trên sự tự nguyện và lòng tin tuyệt đối của thành viên, một loạt những cách thức “rút ruột” được Tình Người dựng lên “đốt ví” của không biết bao nhiêu người. Đến khi nhận ra, nạn nhân cũng chỉ biết cắn răng tiếc nuối vì không có cách nào đòi lại được.
(Còn nữa)
Nguồn: daidoanket.net