Sau đây là những văn bản nổi bật được quan tâm nhất tuần qua (từ ngày 09 – 15/11/2020):
1. 09 văn bản về hóa đơn áp dụng đến 30/6/2022
Ngày 30/10/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 88/2020/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 26 Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Theo đó, căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-Cp và Thông tư 88, những văn bản sau về hóa đơn vẫn còn hiệu lực đến 30/6/2022:
– Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
– Thông tư 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Thông tư 191/2010/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải.
– Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
– Quyết định 1209/QĐ-BTC về việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, Quyết định 526/QĐ-BTC về việc mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
– Quyết định 2660/QĐ-BTC về việc gia hạn thực hiện Quyết định 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015.
– Thông tư 37/2017/TT-BTC chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính
Thông tư 88/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.
2. Tiêu chuẩn định lượng thức ăn đối với phạm nhân
Chính phủ ban hành Nghị định 133/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/12/2020) hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự 2019.
Theo đó, phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng thức ăn mỗi tháng gồm:
– 17 kg gạo tẻ;
– 15 kg rau xanh;
– 01 kg thịt lợn;
– 01 kg cá;
– 0,5 kg đường;
– 0,75 lít nước mắm;
– 0,2 lít dầu ăn;
– 0,1 kg bột ngọt;
– 0,5 kg muối;
– Gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ.
– Chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.
3. Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025
Quyết định 33/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 12/11/2020 về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là thôn có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên và có 01 trong 02 tiêu chí sau:
– Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 30 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số nghèo).
– Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau:
+ Có trên 60% tỷ tệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của thôn;
+ Chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn nhất là mùa mưa;
+ Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Quyết định 33/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2020.
Nguồn: Thư viên pháp luật