1. Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18
Ngày 30/3/2021, Luật phòng, chống ma túy 2021 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
– Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
– Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
Luật phòng chống ma túy 2021 có hiệu lực ngày 01/01/2022 và thay thế Luật phòng chống ma túy 2000 và Luật phòng, chống ma túy sửa đổi 2008.
2. Các đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế 2021
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo đó, các đối tượng được gia hạn như:
– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế:
+ Hoạt động xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;
+ Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);
+ Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất mô tô, xe máy;
+ Thoát nước và xử lý nước thải…
– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế:
+ Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;
+ Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng…
Nghị định 52/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/4/2021.
3. VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Điều 347, 348, 349 Bộ luật Hình sự 2015
VKSNDTC ban hành Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 về việc hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các Điều 347, 348, 349 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, để áp dụng pháp luật thống nhất, VKSNDTC đưa ra một số hướng dẫn cụ thể về:
– Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS);
– Việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS);
– Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348 BLHS) đối với người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép;
– Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ…
Công văn 1557/VKSTC-V1 được ban hành ngày 20/4/2021.
4. Quy định về lệ phí cấp hộ chiếu từ 22/5/2021
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quả cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo đó, lệ phí cấp hộ chiếu (bao gồm hộ chiếu gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử) như sau:
– Cấp mới: 200.000 đồng/lần cấp
– Cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000 đồng/lần cấp
– Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự: 100.000 đồng/lần cấp.
Bỏ lệ phí Gia hạn hộ chiếu (Hiện hành Thông tư 219/2016/TT-BTC quy định lệ phí Gia hạn hộ chiếu là 100.000 đồng/lần cấp)
Thông tư 25/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2021, thay thế Thông tư 219/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 và Thông tư 41/2020/TT-BTC ngày 18/5/2020.