Quyển sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) hiện đang gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh việc sách dùng từ ngữ khó nhớ, ngữ liệu bài đọc không hay thì cũng đang có ý kiến về những dấu hiệu vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Sau những tranh cãi của dư luận về sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều), Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu.
Theo GS-TS Trần Đình Sử – Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, từ ngày 13/10, hội đồng đã bắt đầu tiến hành việc rà soát, khi có kết quả sẽ thông tin khách quan tới xã hội.
Trong khi đó, trước những ý kiến cho rằng quyển sách này có dấu hiệu vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ, ông Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM nhận định, đơn vị thanh tra của Bộ KHCN, Bộ VHTT&DL cần phải vào cuộc thanh tra vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ trước những phản ánh của dư luận và nhiều cơ quan báo chí về nội dung trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1.
Theo ông Tuấn, việc một tác phẩm văn học hay câu chuyện ngụ ngôn được trích dẫn hay phỏng theo mà khiến nội dung của bản gốc bị sai lệch thì điều đó có nghĩa đã có dấu hiệu vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ từ người dịch hoặc người biên soạn.
“Luật cũng quy định rõ, việc quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã được nếu rất rõ. Ngay cả khi người sáng tác ra văn bản đó, hay đất nước xuất xứ của câu chuyện ngụ ngôn đó không có khiếu nại, phản ánh gì về bản quyền nhưng nếu cơ quan quản lý của Việt Nam nhận thấy có dấu hiệu vi phạm của người dịch hoặc người biên soạn thì có thể hoàn toàn có thẩm quyền vào cuộc điều tra độc lập, xử lý theo quy định ” – ông Tuấn cho hay.
Đối với những phản ánh của dư luận và báo chí về những tác phẩm văn học của các nhà văn hoặc những câu chuyện ngụ ngôn được biên soạn trong cuốn sách mà câu từ thay đổi, nội dung bị hiểu theo hướng khác, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM cho rằng, những phản ánh này không phải không có cơ sở.
Chính vì thế, việc cơ quan thanh tra của Bộ KHCN, Bộ VHTT&DL vào cuộc kiểm tra vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ của cuốn sách này là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Được biết, trước khi được phê duyệt trở thành SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tất cả các bản thảo đều phải qua thẩm định, đánh giá của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Vì vậy, khi để SGK có “sạn” lọt ra thị trường, có trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.
Trong biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định Quốc gia môn tiếng Việt lớp 1 có đánh giá, sách tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều được biên soạn công phu, cẩn thận trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ sách có các tiếp cận riêng, tận dụng tốt vai trò của kênh chữ và đặc biệt là kênh hình nhằm hiện thực hóa các yêu cầu cần đạt cho từng kỹ năng đọc, viết, nói và nghe mà chương trình đề ra.
Sách có nhiều điểm mới đáng trân trọng, triển khai tốt việc tích hợp các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe trong một bài học, giúp học sinh không chỉ đươc phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn có cơ hội phát triển năng lực, phẩm chất khác phù hợp với trình độ học sinh.
Ngữ liệu trong sách được lựa chọn nhìn chung kỹ lưỡng, đảm bảo tỉ lệ cân đối hài hòa, một số ngữ liệu hay, hấp dẫn, phù hợp với trình độ học sinh.
Nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới… thể hiện hợp lý trong sách.
Biên bản cũng nêu một số bất cập như dư luận đang tranh cãi và đề nghị các tác giả chỉnh sửa. Và kết quả cuối cùng là 15/15 thành viên của hội đồng thẩm định đều đánh giá sách “Đạt”.
Vì sao đã được hội đồng thẩm định thông qua, nhưng khi đưa vào giảng dạy đại trà, phụ huynh vẫn đánh giá sách còn nhiều sạn? Vì sao các thành viên hội đồng thẩm định yêu cầu chỉnh sửa, nhưng nhóm tác giả vẫn bảo vệ quan điểm và được thông qua?
Vụ việc này hiện vẫn đang được làm rõ.
Nguồn: http://sohuutritue.net.vn