Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, lãnh đạo Bộ Công an đã bấm nút chính thức khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an bấm nút khai trương hai hệ thống số hóa của Bộ Công an.
ẢNH: NGUYỄN HIẾU
Chiều 25.2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD).
Đây là 2 dự án số hóa có quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay, được Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện.
Quản lý dân cư bằng điện tử thay cho hộ khẩu giấy
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực, quyết liệt của Bộ Công an và các đơn vị liên quan. Trong đó, Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép 2 dự án, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng ngay trong quá trình xây dựng dự án.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số), ngày hôm nay, các hệ thống này đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, các tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động, là nền tảng quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Mặt khác, Thủ tướng cho rằng, việc Bộ Công an đã tích hợp một số dịch vụ công và chia sẻ với các cơ quan khác, như cơ quan thuế trên Cổng dịch vụ công quốc gia; các dịch vụ khác như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, khai báo lưu trú, đăng ký thuế lần đầu,… là những dịch vụ công rất thiết yếu và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân, và hoạt động kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, khi 2 hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thống tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính.
Đối với Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD, mẫu thẻ CCCD có nhiều điểm mới so với thẻ CCCD cũ, đáng lưu ý là việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin liên quan, đồng thời thay thế việc lấy vân tay phẳng bằng vân tay lăn.
Bên cạnh đó, các dữ liệu đã dùng để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được tra cứu, khai thác, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ: giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân.
“Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Nhiệm vụ “chưa có tiền lệ” từ trước đến nay
Theo Bộ Công an, thực hiện luật Căn cước công dân, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 896), lực lượng công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ “chưa có tiền lệ” từ trước đến nay.
Trong thời gian ngắn, 2 “chiến dịch” xây dựng Hệ thống CSDLQGVDC và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã được Bộ Công an gấp rút triển khai.
Theo đó, công an các đơn vị, địa phương đã hoàn thành việc bố trí 5 công an xã chính quy/xã đạt 100% trên toàn quốc; hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm 5 phòng và trung tâm; rà soát, sắp xếp cán bộ chiến sĩ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư ổn định theo mô hình từng tổ công tác, để bố trí công việc phù hợp theo đúng tiêu chí đề ra.
Bộ Công an đã thành lập gần 100 đoàn công tác với hơn 200 lượt và gần 6.000 đoàn của công an các địa phương kiểm tra, phúc tra đến tận cơ sở, bảo đảm chính xác thông tin đã thu thập. Từ đó, nắm tình hình cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 dự án, kịp thời thống nhất đưa ra những giải pháp hiệu quả cho từng địa phương.
Ngoài ra, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với vai trò là đơn vị chủ trì về công nghệ cho Hệ thống CSDLQGVDC đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất tập đoàn và 63 tỉnh, thành phố cùng các đối tác trong liên danh quyết liệt triển khai dự án với tiến độ khẩn trương nhất.
Trong vòng 5 tháng, từ tháng 9.2020 – 2.2021, VNPT đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ, chiến sĩ công an sử dụng hệ thống.
Tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về hạ tầng và công nghệ, kỹ thuật để đưa hệ thống CSDLQGVDC vào vận hành đã sẵn sàng.
Nguồn: Thư viện pháp luật