1. Quy định xử phạt VPHC trong hoạt động nuôi chim yến
Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2021.
Theo đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến sau:
– Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định;
– Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian quy định.
Người vi phạm phải thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, quy định phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.
2. Quy định về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hoá XNK
Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 14/2015/TT-BTC về phân loại hàng hoá, phân tích để phân loại hàng hoá; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hoá XNK có hiệu lực từ ngày 12/04/2021.
Theo đó, cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hoá có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích gồm:
– Phiếu yêu cầu phân tích hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hoá (mẫu 05/PYCPT/2021 ban hành kèm theo Thông tư 17 này), mỗi mặt hàng lập 01 Phiếu yêu cầu;
Mẫu 05/PYCPT/2021 |
– Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa;
– Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích;
– Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do hàng hóa không có tài liệu kỹ thuật tại mục 12 mẫu 05/PYCPT/2021 (đây là quy định mới).
3. Điều kiện cấp Giấy phép lái tàu tuyến đường sắt đô thị
Thông tư 05/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BGTVT về điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu (GPLT) trên đường sắt có hiệu lực từ ngày 15/04/2021.
Theo đó, điều kiện cấp GPLT cho các lái tàu đầu tiên trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam gồm:
– Có đủ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Thông tư 33/2018/TT-BGTVT ;
– Là nhân sự lái tàu được DN kinh doanh đường sắt đô thị hoặc CĐT dự án (hoặc tổ chức được CĐT giao quản lý dự án) đánh giá đạt yêu cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống của Dự án;
– Đã được Hội đồng sát hạch cấp GPLT đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.
4. Quy định về tổ chức bồi dưỡng viên chức ngành GTVT từ 15/4/2021
Thông tư 04/2021/TT-BGTVT về điều kiện cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành giao thông vận tải (GTVT) có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.
Theo đó, việc tổ chức thực hiện bồi dưỡng viên chức ngành GTVT quy định như sau:
– Học viện, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ điều kiện quy định được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức hạng I, hạng II;
– Trường cao đẳng và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ tiêu chuẩn quy định được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức hạng II, hạng III;
– Trường trung cấp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ tiêu chuẩn quy định được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức hạng IV, hạng V.
5. Thông tư 01/2021/TT-BKHCN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.
Nguồn: thuvienphapluat.vn