Trải qua 03 đợt dịch Covid-19 và đang chiến đấu hết mình với đợt dịch thứ 04 có quy mô lớn, Việt Nam đã tích lũy được không ít kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác phòng, chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Một trong những chính sách đúng đắn, hiệu quả và được thực nước ta áp dụng ngay từ những ngày đầu là chính sách cách ly những đối tượng tiếp xúc với người nhiễm bệnh ở các cấp độ. Hiện nay, các nội dung liên quan đến chính sách này được quy định như sau:
- Đối tượng cách ly
Hiện nay, nước ta đang áp dụng 2 hình thức cách ly: cách ly tại nhà và cách ly tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19, tùy vào từng đối tượng mà hình thức cách ly được áp dụng là khác nhau. Cụ thể:
Đối tượng cách ly Covid-19 tại nhà
Bộ y tế đã ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19 kèm theo Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/03/2020. Theo đó, đối tượng phải tự cách ly y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng là:
– Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hay còn gọi là F2, F3, F4,…
– Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
– Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn.
Về địa điểm cách ly, hướng dẫn cách ly của Bộ y tế cũng quy định, các đối tượng trên có thể tự cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú: nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị trong thời gian 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Đồng thời, trong thời gian tự cách ly, người cách bị cách ly phải tuân thủ các quy định bắt buộc như:
– Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương;
– Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân;
– Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở;
– Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác;
– Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt…
– Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định…
Đối tượng phải cách ly tập trung
Theo hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 ban hành kèm Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020, những đối tượng phải cách ly tập trung để để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng bao gồm:
– Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 (theo thông tin của Bộ Y tế);
– Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19. Cụ thể, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm Quyết định số 2008/QĐ-BYT ngày 26/4/2021, người tiếp xúc gần bao gồm:
+ Người tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh COVID-19; làm việc cùng với nhân viên y tế mắc COVID-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc COVID-19.
+ Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID- 19 trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Cùng nhóm làm việc, cùng nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp … với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
+ Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
– Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh thì Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn tiếp theo.
Về thời gian cách ly tập trung, căn cứ Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Bộ Y tế, những người thuộc đối tượng cách ly tập trung phải cách ly ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm Covid-19.
Đồng thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ít nhất 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 14 và ngày thứ 20 trong thời gian cách ly tập trung.
Ngoài ra, cũng theo Công điện 600, sau khi hết cách ly tập trung, người bị cách ly vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 07 (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung).
Cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh minh họa)
- Chi phí cách ly
Chi phí cách ly y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cách ly y tế hiện nay được thực hiện theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021, cụ thể:
1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch
– Phải chấp hành chỉ định xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 của cơ quan y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Quy định này không áp dụng đối với các đoàn ngoại giao cấp cao; các nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, khách mời do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mời. Việc chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp này do Bộ Y tế thống nhất với cơ quan mời. Việc miễn hoặc cá nhân phải tự chi trả chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
– Cơ quan, tổ chức đón tiếp người nhập cảnh phải thông báo cho Sở Y tế địa phương về danh sách lưu trú và địa chỉ lưu trú để tổ chức theo dõi, giám sát y tế và thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
2. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch
– Phải có bảo hiểm y tế quốc tế còn giá trị sử dụng và có phạm vi thanh toán khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam.
– Phải thực hiện cách ly tại khách sạn, resort (không cách ly tại các doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ cở khác được cơ quan có thẩm quyền chọn là nơi cách ly tập trung).
– Phải tự chi trả các chi phí sau đây: – Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly;
+ Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành;
+ Các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (bao gồm chi phí khử trùng, diệt khuẩn; chi phí bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự và vi phí khác theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.
3. Người Việt Nam đi làm việc, lao động, đi du học, du lịch, khám, chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài trở về phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch
– Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí theo quy định trên.
– Trường hợp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung, người nhập cảnh phải tự chi trả các chi phí sau đây cho cơ sở cách ly:
+ Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly tập trung;
+ Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành;
+ Chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày;
+ Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí theo quy định.
4. Người Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân hoặc phu quân và con chưa thành niên đi theo trở về nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung
– Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết. Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thì được ngân sách nhà nước chi trả.
– Trường hợp cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền shoràng cách ly tập trung thì được ngân sách nhà nước bảo đảm các chi quy định.
5. Người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch
– Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định.
– Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung, còn các khoản chi phí sau đây được ngân sách nhà nước bảo đảm:
+ Chi phí đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung:
+ Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2;
+ Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí theo quy định bao gồm cả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.
6. Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:
– Người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyển. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
– Người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.