Khoảng 13h30 ngày 1/11, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực số nhà 68-74 đường Trần Thái Tông. Đây là nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán karaoke. Vụ cháy đã khiến nhiều biển hiệu cháy rụi. Đến 21h30, theo thông tin ban đầu, đã có người thiệt mạng trong vụ cháy, hiện vẫn chưa có thống kê chính xác số người thương vong.
Quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông được xác định là điểm khởi phát vụ hỏa hoạn vào chiều 1/11. Liên quan đến vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng tại số 68 đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội vào chiều 1/11, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy vừa cho biết: Quán karaoke trên chưa đủ điều kiện kinh doanh và đã bị các cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, hiện cơ sở này chưa đủ giấy phép, điều kiện kinh doanh như thiếu chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự. Hồ sơ kinh doanh còn thiếu: Biên bản nhiệm thu PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định và giấy phép kinh doanh karaoke. Đây là cơ sở kinh doanh mới đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Trước đó, vào ngày 9.10.2016, Tổ công tác của công an phường cùng cán bộ Đội quản lý hành chính Công an quận kiểm tra hành chính tại cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không hoạt động. Tổ công tác đã yêu cầu, cơ sở không kinh doanh karaoke khi chưa đủ giấy phép theo quy định của pháp luật.
Về vụ việc này, câu hỏi đặt ra ai là người phải chịu trách nhiệm và vụ việc sẽ được xử lý ra sao?
Ngày 06/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về việc ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Trong đó điểm đáng lưu ý là việc cấp phép mới cho các hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường sẽ được tiếp tục khôi phục. Sau hơn 4 năm tạm ngừng, hoạt động kinh doanh karaoke trên phạm vi cả nước đã phát triển rất nhanh về số lượng cũng như qui mô hoạt động. Dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định rất nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh Karoke như phải đủ điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy nhưng một số cơ sở đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nên đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thiệt hại về con người, tài sản không những của cơ sở kinh doanh và còn đối với rất nhiều khách.
Điều 34 Luật quảng cáo 2012 về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:“ Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”
Như vậy, hầu như các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đã vi phạm Luật quảng cáo và phải bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ theo Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP
“Vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”
Nếu Cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán Karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy . Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự. “Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy\
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.
Nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.
Nếu xác định quán Karaoke bị sự cố chập điện gây cháy nhà và lan sang các nhà khác thì xử lý như nào? Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự như trên.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phạm này thì cần phải xác định rõ cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra. Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính.
Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở.
Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự).
Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính. Chính vì thế trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở
Ngoài ra, tại điều 57 Luật PCCC thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, bao gồm tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC… Do đó, trong vụ cháy này, để xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC thì cần phải xác định được các cơ quan này đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình hay chưa? Tuy nhiên, nếu phải chịu trách nhiệm thì trách nhiệm ở đây không bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân mà chỉ là trách nhiệm do việc không hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước…