Một kho chứa gần 30.000 chiếc túi xách, ví da giả thương hiệu nổi tiếng vừa bị triệt phá tại Nam Định. Ước tính giá trị lên đến 6 tỷ đồng. Đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng nhiều tài khoản trên MXH như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen)..
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan liên quan triệt phá một kho hàng giả thương hiệu nổi tiếng tại thôn Đại Lại (xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, Nam Định) sau 6 tháng trinh sát (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Lực lượng quản lý thị trường lập biên bản đối với các đối tượng vi phạm mua bán, tàng trữ hàng giả tại kho hàng trên (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Kho hàng rộng 500m2 nhưng chứa gần 30.000 túi xách, ví da chủ yếu nhái các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, như: Hermès, YSL, Chanel, Burberry, Gucci, Louis Vuitton… Trong đó chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermès (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp) (Ảnh: Báo Công an nhân dân)
Theo chia sẻ, đối tượng vi phạm chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa (Ảnh: Tiền Phong)
Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khau như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen – Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen – Đại Dương – Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách – Hàng Quảng châu… được thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo và chặn tài khoản vì vi phạm (Ảnh: Tiền Phong)
Hàng loạt mặt hàng được đăng tải lên các fanpage bán hàng trên mạng xã hội để thu hút khách hàng (Ảnh: FB)
Một số mẫu túi xách giả thương hiệu Hermès đã được chụp lại tại kho hàng được đăng tải và rao bán trên mạng xã hội (Ảnh: FB)
Theo ước tính, có tới 20.000 – 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây. Chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này (Ảnh: VTV)
Ông Nguyễn Kỳ Minh, phó chánh văn phòng tổng cục, tổ trưởng Tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT), cho biết đơn vị đã mất 6 tháng theo dõi, trinh sát mới có thể bắt giữ được kho hàng giả với số lượng hàng giả lớn như trên (Ảnh: VTV)
Các đối tượng thường dùng thủ đoạn tinh vi như sử dụng một cửa hàng trung gian trên đường Hồ Tùng Mậu (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm, nhưng thực chất cửa hàng này không chứa bất cứ sản phẩm nào (Ảnh: Tiền Phong)