Theo quy định tại Luật Cư trú 2020 sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy, thay thế bằng phương thức quản lý điện tử. Như vậy, việc đăng ký BHYT hộ gia đình sẽ được thực hiện như thế nào?
Nguồn ảnh: Bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định về khái niệm hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Tuy nhiên, áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Cư trú sửa đổi khoản 7 Điều 2 Luật BHYT như sau: Hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.
Mặc dù khái niệm hộ gia đình tham gia BHYT có sự thay đổi nhưng đối tượng tham gia vẫn là như nhau.
Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục khi mua BHYT hộ gia đình đối với những hộ đã bị thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc những hộ đăng ký thường trú, tạm trú sau ngày 01/7 (tức không được cấp sổ mới).
Nhưng, theo Nghị định 37/2021/NĐ-CP, người dân có quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nộp cho cơ quan Nhà nước khi họ yêu cầu. Trong thông tin Cơ sở dữ liệu đã bao gồm họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình, nơi thường trú, tạm trú…
Như vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân hoặc các cơ quan liên quan được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể dùng cách này để phục vụ cho việc đăng ký BHYT hộ gia đình thông qua hình thức khai thác: bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an…
Nguồn: Thư viện pháp luật