Nghị định 01/2017/NĐ_CP mới ban hành sửa đổi quy định về xác định loại đất
Ngày 06/01/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các Nghị định sau:
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai ngày 15/5/2014.
Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất ngày 15/5/2014.
Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ngày 15/5/2014.
Theo đó, Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 03/03/2017 sửa đổi những quy định quan trọng sau:
1. Sửa đổi quy định về xác định loại đất tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP
2. Bổ sung quy định xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo Khoản 30 Điều 3 Luật đất đai tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP
3. Thêm chức năng cho Văn phòng đăng ký đất đai
4. Quy định điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai
5. Quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng hệ thống thông tin đất đai
6. Bổ sung quy họach sử dụng đất trong quy họach xây dựng xã nông thôn mới
7.Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất
Nghị định 01/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2017.
Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, GCN đăng ký hành nghề DVKT dưới mọi hình thức là hành vi bị cấm trong kế toán
Luật kế toán 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2015, trong đó có một số điểm mới cơ bản sau:
Quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán (DVKT) như: đăng ký hành nghề DVKT; điều kiện cấp GCN đủ điều kiện kinh doanh DVKT; doanh nghiệp kinh doanh DVKT…
Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày 01/01/2017, các doanh nghiệp kinh doanh DVKT thành lập trước đó phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật kế toán 2015 để được cấp GCN đủ điều kiện kinh doanh DVKT.
Sau thời hạn trên, nếu không đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải chấm dứt hoạt động kinh doanh DVKT.
Cụ thể hóa một số hành vi bị nghiêm cấm trong kế toán, đơn cử: như Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, GCN đăng ký hành nghề DVKT dưới mọi hình thức; Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật
Luật kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017
Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH năm 2017
Ngày 28/12/2016, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó:
Tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH; có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định điều chỉnh như sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định của từng năm X Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng
Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2017 đến 31/12/2017 được điều chỉnh: Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng
(Mức điều chỉnh của năm 2017 tại 02 trường hợp trên là 1,00)
Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 11/02/2017; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ 01/01/2017.
Từ 01/01/2017, bãi bỏ nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016.
Theo đó, ban hành Danh mục mới gồm 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay vì 268 ngành, nghề như hiện nay.
Như vậy, quy định mới đã bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đơn cử:
Kinh doanh dịch vụ của đại lý đấu thầu;
Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm;
Kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc;
Kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh;
Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;
Dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm.
…
Đồng thời, bổ sung “kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị” và “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ ngày 01/7/2017.
Ngoài ra, “kinh doanh pháo nổ” sẽ được thêm vào Danh sách các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư có hiệu lực từ 01/01/2017
Áp dụng bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy mới từ 01/01/2017
Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 304/2016/TT-BTC về bảng giá tính lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ôtô, xe máy. Theo đó:
Giá tính LPTB đối với ôtô, xe máy tại Bảng giá là giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường theo quy định về giá tính lệ phí trước bạ đối với tài sản khác tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2016/NĐ-CP .
Trường hợp giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thấp hơn giá tính LPTB do Bộ Tài chính ban hành thì giá tính LPTB là giá theo Bảng giá do Bộ Tài chính ban hành đang có hiệu lực áp dụng.
Nếu tại thời điểm nộp hồ sơ khai LPTB, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tăng từ 20% so với Bảng giá hiện hành hoặc giá tính LPTB chưa được quy định tại bảng giá thì căn cứ Thông tư 301/2016/TT-BTC .
Bảng giá LPTB ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng đối với ôtô, xe máy khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thông tư 304/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Một số thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ… nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm tra an toàn thực phầm
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Công văn 11933/TCHQ-GSQL về việc thực hiện điểm 3 Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 của Chính phủ.
Theo đó, đối với thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu hoặc nhập gia công hàng xuất khẩu thì:
Không yêu cầu người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, ghi nhãn tiếng Việt Nam khi làm thủ tục hải quan.
Khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, người khai hải quan phải thực hiện việc ghi nhãn phụ, kiểm tra an toàn thực phẩm, công bố hợp quy, công bố sự phù hợp và làm thủ tục hải quan theo quy định.
Công văn 11933/TCHQ-GSQL được ban hành vào ngày 21/12/2016.