Ngày 01/7/2021 tới đây là thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú 2020. Luật này tác động mạnh tới đông đảo người dân, do trực tiếp điều chỉnh vấn đề thường trú, tạm trú, tạm vắng…, trong đó có những người đang thuê nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
1. Cần đăng ký tạm trú ngay trong vòng 30 ngày thuê nhà
Tương tự như trước đây, Luật Cư trú 2020 cũng yêu cầu công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Tuy nhiên, điểm khác biệt như sau:
Từ ngày 01/7/2021: Người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng sẽ bị xóa đăng ký thường trú […] (điểm d khoản 1 Điều 24).
Trước đây: Không có quy định trên.
Do đó, những người đang thuê nhà ở thành phố để sinh sống, học tập, làm việc…, vắng mặt ở nơi có hộ khẩu từ 12 tháng trở lên thì phải đăng ký tạm trú hoặc phải khai báo tạm vắng ở nơi có hộ khẩu; nếu không sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Ngoài ra, hiện nay theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu không đăng ký tạm trú vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thuê, người thuê nhà sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 8).
Tóm lại, nếu như người thuê nhà không đăng ký tạm trong thời hạn quy định sẽ phải đối mặt với hai rủi ro: 1) Bị phạt tiền và 2) Có thể bị xóa đăng ký thường trú từ 01/7/2021.
2. Nhà thuê rộng 8m2/người có thể đăng ký thường trú
Luật Cư trú 2020 cũng tạo cơ hội cho người thuê nhà có “hộ khẩu thành phố” bằng việc đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Nhưng, điểm thay đổi như sau:
Từ ngày 01/7/2021: Công dân được đăng ký thường trú vào nhà thuê nếu được chủ nhà đồng ý; Bảo đảm diện tích nhà thuê theo quy định của địa phương nhưng tối thiểu 08m2 sàn/người (khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020).
Trước đây: Công dân được đăng ký thường trú vào nhà thuê ở thành phố trực thuộc trung ương nếu được chủ nhà đồng ý; đã tạm trú liên tục từ 01 – 02 năm trở lên; bảo đảm diện tích nhà thuê theo quy định của địa phương (khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2006, sửa đổi năm 2013).
Sự thay đổi nằm ở chỗ, nếu như trước đây Luật cũ yêu cầu về thời gian tạm trú và không yêu cầu về diện tích tối thiểu của nhà thuê, thì Luật mới bỏ yêu cầu về thời gian tạm trú và yêu cầu diện tích tối thiểu của nhà thuê là 08m2 sàn/người.
Người thuê nhà ở các thành phố lớn, nếu có nhu cầu đăng ký thường trú ở đây thì cần phải lưu ý các điều kiện mới nêu trên.
3. Có thể bị xóa đăng ký thường trú/tạm trú nếu chấm dứt hợp đồng thuê nhà
Từ ngày 01/7/2021: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì bị xóa đăng ký thường trú […] (điểm e khoản 1 Điều 24).
Tương tự, người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác thì bị xóa đăng ký tạm trú (điểm e khoản 1 Điều 29)
Trước đây: Không có quy định trên.
Do đó, người thuê nhà cần đặc biệt lưu ý, từ ngày 01/7/2021, nếu đã đăng ký tạm trú/thường trú tại nhà thuê, nhưng sau đó chấm dứt hợp đồng thuê nhà và chuyển đi, không đăng ký tạm trú ở chỗ khác sẽ bị xóa đăng ký tạm trú hoặc sau 12 tháng vẫn không đăng ký thường trú ở chỗ mới thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú tại nhà thuê trước đó.
4. Có thể bị xóa đăng ký thường trú nếu chủ nhà không đồng ý cho giữ
Từ ngày 01/7/2021: Thêm một trường hợp mà người thuê nhà có thể bị xóa đăng ký thường trú tại nhà thuê như sau:
Người đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó thì bị xóa đăng ký thường trú (điểm h khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020).
Trước đây: Không có quy định này.
Nguồn: luatvietnam.vn